DMagazine

Bí ẩn bộ xương cá voi được lưu giữ cẩn mật suốt trăm năm tại Lý Sơn

(Dân trí) - Sau 300 năm được lưu giữ cẩn mật, bộ xương cá voi khổng lồ ở đảo Lý Sơn được phục dựng, trưng bày. Ngay cả những bậc cao niên ở Lý Sơn cũng lần đầu được nhìn thấy "Đồng Đình Đại Vương".

Sau 300 năm được lưu giữ cẩn mật, bộ xương cá voi khổng lồ ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được phục dựng, trưng bày. Ngay cả những bậc cao niên ở Lý Sơn cũng lần đầu được nhìn thấy "Đồng Đình Đại Vương".

Câu chuyện về bộ xương "cá Ông" khổng lồ được người dân Lý Sơn tôn kính gọi là "Đồng Đình Đại Vương" nhuốm màu truyền thuyết. Con số 300 năm cũng chỉ là khoảng thời gian ước lượng, bởi không ai biết chính xác bộ xương cá voi khổng lồ ở lăng Tân có từ bao giờ.

Bí ẩn bộ xương cá voi được lưu giữ cẩn mật suốt trăm năm tại Lý Sơn - 1

Sáng sớm tinh mơ, khi những cánh đồng tỏi trên đảo Lý Sơn còn mờ hơi sương, ông Trương Thường lặng lẽ đến lăng Tân. Ông ngắm nhìn bộ xương "cá Ông" thật lâu với lòng thành kính.

Từ ấu thơ, ông Thường đã được nghe kể về Đồng Đình Đại Vương ở lăng Tân. Vậy mà đến khi bước qua cái tuổi 70, ông mới lần đầu tiên được nhìn thấy "vị thần" của người dân đất đảo.

Suốt những năm tháng trai trẻ, ông Thường cũng như những ngư dân đảo Lý Sơn luôn xem lăng Tân là nơi linh thiêng nhất. Khi những con thuyền ra khơi, hay khi gặp bão tố giữa đại dương, lời cầu nguyện của những ngư dân luôn hướng về "Đồng Đình Đại Vương". Niềm tin được che chở đã giúp những ngư dân can trường vượt qua bao phong ba, bão tố giữa biển khơi.

"Ngư dân đất đảo luôn tôn kính cá Ông, đặc biệt là Đồng Đình Đại Vương. Chính ngài đã che chở cho ngư dân trong những chuyến hành trình hàng tháng trời ra Hoàng Sa, Trường Sa", ông Thường chia sẻ.

Bí ẩn bộ xương cá voi được lưu giữ cẩn mật suốt trăm năm tại Lý Sơn - 3

Theo ông Thường, Đồng Đình Đại Vương đã được thờ cúng tại lăng Tân qua nhiều đời. Ngay cả những người cao tuổi nhất trên đảo cũng không biết chính xác "cá Ông" đã "lụy" vào bờ từ khi nào. Người dân chỉ sắp xếp các mốc thời gian theo lời kể rồi phỏng đoán bộ xương này được đưa vào lăng Tân khoảng 300 năm trước.

Ngày đó, hàng trăm ngư dân tìm cách đưa cá voi vào bờ nhưng bất thành. Khoảng nửa ngày sau cá chết, người dân lại một lần nữa gặp khó khi đưa vào bờ chôn cất.

Ông Thường nhớ lời kể của những vị cao niên trong làng từ thuở ông còn bé, mọi người tìm đủ cách nhưng "ngài" không chịu dịch chuyển. Phải đến khi các bô lão làm lễ cầu khấn mới biết được "ngài" chỉ vào bờ đúng giờ Ngọ. Quả thật, đúng giờ, "ngài" được dịch chuyển dễ dàng đến nơi chôn cất. Điều kỳ lạ hơn, tròn một năm sau, một "ngài" khác cũng "lụy" vào bờ đúng vị trí đó. Người dân đất đảo tin rằng, "ngài" được phái vào đảo để hầu hạ Đồng Đình Đại Vương.

Bí ẩn bộ xương cá voi được lưu giữ cẩn mật suốt trăm năm tại Lý Sơn - 5

Cá voi được ngư dân tôn kính gọi là "cá Ông", thần Nam Hải. Nhiều câu chuyện cá voi cứu ngư dân gặp nạn được truyền tai nhau từ đời này sang đời khác.

Người già trên đảo Lý Sơn kể rằng, ngày trước, phương tiện tàu thuyền còn thô sơ. Trong khi ngư dân Lý Sơn là những người từng dong thuyền cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Những chuyến hải trình lênh đênh trên biển nhiều tháng trời thì bất trắc là điều khó tránh khỏi. Có những chiếc thuyền bị gió bão đánh vỡ tan.

Khi những phận người nhỏ bé sắp bị biển khơi nhấn chìm thì thần Nam Hải xuất hiện. "Ngài" để ngư dân leo lên lưng mình rồi đưa vào bờ. Riêng Đồng Đình Đại Vương cũng được cho là đã cứu nhiều ngư dân trước khi "lụy" vào bờ. Vì lẽ đó, từ hàng trăm năm qua, ngư dân luôn tôn thờ thần Nam Hải.

Khi thần Nam Hải "lụy", cư dân miền biển sẽ làm lễ chôn cất. Sau một thời gian, xương cốt được đưa vào lăng thờ cúng. Có những nơi cư dân có thể tận mắt chứng kiến xương cốt của "cá Ông", nhưng ở đảo Lý Sơn thì ngược lại. Chính vì lẽ đó, xương cốt Đồng Đình Đại Vương và "ngài" hầu cận được giữ gìn cẩn mật suốt hàng trăm năm qua tại lăng Tân.

Bí ẩn bộ xương cá voi được lưu giữ cẩn mật suốt trăm năm tại Lý Sơn - 7

Ông Bùi Thiệu (73 tuổi) hiện là chủ vạn lăng Tân. Dù vậy, ông Thiệu cũng mới được "diện kiến" Đồng Đình Đại Vương một lần duy nhất. Ông Thiệu kể lại lời của người xưa, sau khi được chôn cất vài năm thì xương cốt Đồng Đình Đại Vương và hầu cận được đưa vào "hậu cung" phía sau lăng Tân. Cứ đến ngày 19 - 20 tháng Chạp hàng năm, chủ vạn sẽ làm lễ cúng, mở cửa "hậu cung" vào kiểm tra, vệ sinh xương cốt.

"Theo lời kể thì khi đưa xương cốt các ngài vào lăng, các bậc cao niên đã lấy phần mỡ đựng vào hủ sành đặt cùng một chỗ. Đến ngày làm lễ, chủ vạn dùng mỡ lau chùi nhằm bảo quản xương cốt các ngài", ông Thiệu cho biết.

Bí ẩn bộ xương cá voi được lưu giữ cẩn mật suốt trăm năm tại Lý Sơn - 9

 Bộ xương cá voi ở lăng Tân đã có hàng mấy trăm năm, tuy nhiên mỗi năm chỉ có một dịp và một người được vào "hậu cung". Những ngày còn lại, việc tế lễ phải diễn ra bên ngoài. Phần "hậu cung" luôn là nơi linh thiêng đối với người dân đất đảo, tuyệt nhiên không ai dám đến gần. Chính vì lẽ đó, dù tồn tại hàng trăm năm nhưng số người được nhìn thấy bộ xương khổng lồ này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Trương Đình Thuận - Phó phòng Văn hóa - Thể thao huyện Lý Sơn - cho biết, không chỉ ở lăng Tân mà cư dân đất đảo Lý Sơn còn lưu giữ, thờ cúng hàng chục bộ xương cá voi khác. Huyện đảo có diện tích khoảng 10 km2 nhưng có đến 10 lăng thờ, trong mỗi lăng có từ một đến hai bộ xương "cá Ông". Hàng năm, dân làng trên đảo đều tổ chức lễ cúng một cách long trọng.

"Chắc hiếm nơi nào có nhiều lăng thờ cá Ông như ở đảo Lý Sơn. Riêng bộ xương của Đồng Đình Đại Vương cũng thuộc dạng lớn nhất Việt Nam", ông Trương Đình Thuận thông tin.

Bí ẩn bộ xương cá voi được lưu giữ cẩn mật suốt trăm năm tại Lý Sơn - 11
Bí ẩn bộ xương cá voi được lưu giữ cẩn mật suốt trăm năm tại Lý Sơn - 13

 Sau hàng trăm năm được lưu giữ cẩn mật trong "hậu cung", hai bộ xương cá voi ở lăng Tân đã được phục dựng. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, cũng như phục vụ du khách.

Theo ông Đặng Trung Hiếu - thành viên đơn vị phục dựng, bộ xương của Đồng Đình Đại Vương dài 22 m, bộ còn lại dài 18 m. Mỗi bộ có 50 đốt xương sống, 28 xương sườn. Đường kính đốt sống lớn nhất trên 40 cm,  xương đầu dài 4 m, xương ngà dài 4,7 m.

Do được lưu giữ quá lâu nên các bộ xương cá voi ở lăng Tân bị hư hỏng nhiều chỗ, đặc biệt là phần đầu. Đơn vị phục dựng phải dùng phương pháp nhựa hóa một số phần xương mục và tôn tạo phần đầu cá bằng nhựa composite.

Bí ẩn bộ xương cá voi được lưu giữ cẩn mật suốt trăm năm tại Lý Sơn - 15

Tháng 1/2022, hai bộ xương cá voi phục dựng hoàn chỉnh đã được trưng bày ở lăng Tân. Đây là sự kiện quan trọng với người dân Lý Sơn bởi lần đầu họ được nhìn thấy xương cốt của Đồng Đình Đại Vương. Dù đã nghe cha ông kể lại, nhưng nhiều người không khỏi kinh ngạc bởi kích thước khổng lồ của hai bộ xương cốt "cá Ông" ở lăng Tân.

Theo ông Trương Đình Thuận, sau khi việc phục dựng hoàn thành, đơn vị sẽ thu thập thông tin để xác định niên đại của hai bộ xương cá. Các số liệu về kích cỡ của các bộ xương cũng được thu thập, tổng hợp đầy đủ. Trên cơ sở đó, huyện Lý Sơn sẽ hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận bộ xương cá voi ở lăng Tân có kích thước lớn nhất Việt Nam.

Nội dung: Quốc Triều

Thiết kế: Thủy Tiên