Tổng quan Hội chứng thiên thần
Hội chứng thiên thần (tên tiếng Anh là Angelman syndrome) là một rối loạn di truyền liên quan đến bất thường trong cấu trúc của nhiễm sắc thể số 15, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra khiếm khuyết nghiêm trọng về thể chất và trí tuệ của trẻ.
Những trẻ mắc hội chứng thiên thần thường hay mỉm cười và cười không tự chủ, tính cách vui vẻ dễ bị kích động. Trẻ thường chậm phát triển khoảng từ 6 đến 12 tháng tuổi. Động kinh thường bắt đầu từ 2 đến 3 tuổi.
Tuy trẻ mắc hội chứng thiên thần có thể sống bình thường nhưng hiện nay căn bệnh này chưa có phương hướng chữa trị triệt để, việc điều trị chủ yếu tập trung vào kiểm soát các vấn đề y tế.
Nguyên nhân Hội chứng thiên thần
Hội chứng angelman nguyên nhân do một rối loạn di truyền gây ra bởi gen ubiquitin liga E3A (UBE3A) nằm trên nhiễm sắc thể số 15 bị thiếu khuyết hoặc mất chức năng. Nguyên nhân gây ra hội chứng này gồm:
Trẻ được thừa hưởng cặp gen từ bố mẹ: 1 bản sao từ mẹ và 1 bản sao từ bố;
Các tế bào thường sẽ sử dụng thông tin từ cả 2 bản sao nhưng với một số ít các gen, chỉ có một bản sao được kích hoạt.
Phần gen có nguồn gốc từ mẹ bị bất hoạt hoặc bị hỏng trong khi phần gen có nguồn gốc từ bố vẫn hoạt động bình thường. Khi 2 gen này kết hợp với nhau gây ra các biểu hiện lâm sàng như “vui vẻ”, “cười liên tục” ở trẻ.
Trong một vài trường hợp, hội chứng thiên thần xảy ra ở cả 2 bản sao của gen được thừa kế, thay vì một từ bố và một từ mẹ.
Triệu chứng Hội chứng thiên thần
Trẻ có hội chứng thiên thần thường sẽ bình thường lúc sinh, nhưng dần xuất hiện vấn đề về ăn uống và chậm phát triển trong từ 6 - 12 tháng tuổi. Các triệu chứng đặc trưng của hội chứng Angelman ở trẻ bao gồm:
Gặp khó khăn khi bú: Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc mút, bú và nuốt trong thời kỳ sơ sinh.
Chậm phát triển về vận động: khó đi lại hoặc không có khả năng giữ thăng bằng, 6-12 tháng tuổi mới biết bò, 1 tuổi mới biết ngồi, 3 tuổi mới biết đi.
Dáng đi thô cứng, giống như kiểu đi của người máy do các khớp bị cứng lại, có những hành vi bất thường như vỗ tay, đưa tay và nâng cả cánh tay lên khi đi bộ.
Luôn có vẻ mặt hạnh phúc, cười kể cả trong những tình huống không có gì đáng cười.
Khuyết tật về trí tuệ: khả năng tư duy giảm, không nói hoặc nói được rất ít từ, thậm chí mất khả năng ngôn ngữ.
90% trẻ khởi phát bệnh động kinh khi bắt đầu lên 2 - 3 tuổi. Các thể động kinh thường gặp là: co cứng, co giật toàn thân, động kinh múa giật, cơn vắng ý thức, động kinh cục bộ phức tạp, thậm chí là trạng thái động kinh gây nguy hiểm tới tính mạng. Tình trạng co giật có thể duy trì đến hết cuộc đời.
Dễ bị kích động: Trẻ thường xuyên chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, không thể tập trung lâu dài vào bất cứ việc gì, thích ngậm ngón tay hoặc đồ chơi trong miệng.
Rối loạn giấc ngủ: Bệnh nhân bị hội chứng Angelman thường ngủ ít hơn mọi người, thậm chí chỉ ngủ 1 - 2 giờ một ngày nhưng vẫn luôn tỏ ra vui vẻ.
Về ngoại hình, trẻ có thể có một số dấu hiệu:
Kích thước đầu nhỏ, phần sau đầu phẳng
Sắc tố giảm khiến tóc, da và mắt có màu nhạt hơn bình thường.
Trẻ có tật đẩy lưỡi, hay lè lưỡi ra ngoài, miệng rộng.
Vẹo cột sống: Cột sống của một số ít bệnh nhân có thể phát triển theo hướng cong bất thường, dáng đi không tự nhiên.
Béo phì: lớn hơn một chút trẻ sẽ thèm ăn nhiều hơn trẻ bình thường, lâu dài có thể dẫn tới béo phì.
Đối tượng nguy cơ Hội chứng thiên thần
Hội chứng thiên thần là một bệnh lý di truyền cực kỳ hiếm gặp với xác suất khoảng 1/12.000 - 20.000. Hầu hết trẻ mắc hội chứng thiên thần được chẩn đoán phát hiện trong khoảng từ 3 - 7 tuổi, bởi khi đó các dấu hiệu về hành vi và vận động của trẻ đã trở nên rõ ràng, dễ nhận biết.
Ban đầu, rất ít trường hợp hội chứng thiên thần được phát hiện. Nhưng trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây, những tiến bộ của chuyên ngành di truyền học đã giúp các bác sĩ sớm chẩn đoán và ghi nhận ngày càng nhiều bệnh nhi mắc hội chứng này.
Tuy tuổi thọ trung bình của người mắc hội chứng thiên thần tương đương với người bình thường, nhưng bệnh nhân lại cần được chăm sóc trong suốt cuộc đời.
Phòng ngừa Hội chứng thiên thần
Hội chứng thiên thần là bệnh lý di truyền có thể được di truyền từ bố mẹ bị ảnh hưởng sang con cái thông qua các gen khiếm khuyết. Nếu người có tiền sử gia đình mắc hội chứng thiên thần hoặc đã có con bị hội chứng thiên thần, cần cân nhắc đến việc trao đổi với bác sĩ hoặc cố vấn di truyền để giúp lập kế hoạch mang thai trong tương lai.
Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng thiên thần
Nếu trẻ bị chậm phát triển đồng thời có các triệu chứng điển hình của hội chứng thiên thần, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, phân tích nhiễm sắc thể, kiểm tra gen của cha mẹ và trẻ bằng nhiều phương pháp để khẳng định chính xác bệnh.
Phân tích nhiễm sắc thể: để xem nếu có bất kỳ phần nào của nhiễm sắc thể bị thiếu.
Lai tại chỗ huỳnh quang (FISH): là xét nghiệm giúp kiểm tra cụ thể đoạn nhiễm sắc thể 15 bị xóa khi bác sĩ nghi ngờ hội chứng thiên thần hoặc để kiểm tra nhiễm sắc thể ở người mẹ
Methyl hóa ADN: xét nghiệm này cho thấy các vật liệu di truyền trên cả nhiễm sắc thể của mẹ và bố đều hoạt động.
Phân tích biến đổi gen UBE3A: là xét nghiệm giúp xem mã di truyền trên bản sao gen UBE3A của mẹ bị thay đổi.
Điều quan trọng nhất đối với chẩn đoán hội chứng thiên thần là phải biết được sự thay đổi di truyền nào gây ra tình trạng này. Điều này có ý nghĩa giúp xác định liệu có nguy cơ xảy ra lần nữa ở các thành viên khác trong gia đình hay không. Hầu hết trẻ em gặp phải hội chứng thiên thần thường được chẩn đoán trong khoảng 18 tháng đến 6 tuổi khi các triệu chứng đã biểu hiện ngày một rõ ràng.
Các biện pháp điều trị Hội chứng thiên thần
Hiện nay trên thế giới chưa tìm ra cách điều trị Hội chứng thiên thần. Biện pháp xử lý bệnh tập trung vào việc nuôi dưỡng và cải thiện khả năng vận động, giao tiếp và ngôn ngữ ở trẻ bao gồm các liệu pháp trị liệu, phẫu thuật và tập thể thao.
Tùy thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng của trẻ, phương pháp điều trị tạm thời hội chứng thiên thần có thể bao gồm:
Thuốc chống động kinh để kiểm soát cơn co giật, động kinh
Bài tập vật lý trị liệu: để giúp cải thiện tư thế, khả năng cân bằng và giúp trẻ học đi lại.
Giáo dục giao tiếp: bao gồm ngôn ngữ ký hiệu và giao tiếp hình ảnh;
Giáo dục hành vi: để giúp trẻ vượt qua sự hiếu động, tăng tập trung trong một khoảng thời gian ngắn và hỗ trợ phát triển trí tuệ.
Các hoạt động như bơi lội, cưỡi ngựa và liệu pháp âm nhạc cũng có lợi
Đeo dụng cụ nâng đỡ cột sống hoặc phẫu thuật tủy sống để ngăn ngừa cột sống cong dần.
Nẹp cổ chân và bàn chân để giúp trẻ tự đi bộ.
Mặc dù chưa có phương pháp nào trị khỏi hoàn toàn hội chứng thiên thần, tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng trong tương lai, việc tác động sửa chữa, khôi phục chức năng của nhiễm sắc thể số 15 sẽ giúp trẻ sớm khôi phục sức khỏe. Trong thời gian đó, cha mẹ và bác sĩ nên kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm điều trị triệu chứng và giúp trẻ thích nghi dần với cuộc sống.