Tuyển Việt Nam chỉ có một đại diện trong đội hình tiêu biểu các kỳ AFF Cup
(Dân trí) - Trang chủ của AFF Cup vừa bình chọn đội hình tiêu biểu 11 vị trí của giải vô địch Đông Nam Á qua các thời kỳ và đội hình này gây ra tranh cãi lớn.
Đầu tiên đội hình này không có tên một tài năng vốn gắn liền với lịch sử của giải đấu, đáng kể nhất là Kiatisuk Senamuang, hay Surachai Jaturapattarapong, hoặc Dusit Chalermsan (Thái Lan)…
Điểm đáng chú ý khác, đội bóng hai lần vô địch là tuyển Việt Nam chỉ có một đại diện trong đội hình này, đó là trung vệ Quế Ngọc Hải, dù cả hai lần đoạt cúp, đội tuyển Việt Nam đều sở hữu những cá nhân cực kỳ xuất sắc, thậm chí là xuất sắc nhất giải đấu, gồm thủ môn Dương Hồng Sơn của kỳ AFF Cup 2008 và tiền vệ Nguyễn Quang Hải ở AFF Cup 2018.
Trước đó nữa, dù không giành ngôi vô địch AFF Cup 1998, nhưng cầu thủ xuất sắc giải năm đó cũng là một người Việt Nam, tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn. Thế nhưng, Sơn "công chúa" cũng bị loại khỏi đội hình này, cùng với chân sút khét tiếng cùng thời với anh là Lê Huỳnh Đức - người cũng là một phần lịch sử của AFF Cup.
Thực tế này khiến cho một CĐV có tên Rohaizat Talib phải ngao ngán bình luận trên Fanpage chính thức của AFF Cup: "Những người bầu chọn cho đội hình này có lẽ chưa bao giờ được thấy Kiatisuk, Surachai, Therdsak Chaiman, Dusit Chalermsan hay Lê Huỳnh Đức thi đấu trước đây?!".
Thậm chí, số lượng đại diện của đội bóng từng hai lần đoạt cúp là tuyển Việt Nam chỉ ngang với đội bóng chưa bao giờ vô địch là Indonesia.
Bóng đá xứ vạn đảo có một đại diện trong đội hình tiêu biểu là tiền đạo Bambang Pamungkas, cho dù xét về năng lực cá nhân, Bambang chưa chắc hay hơn so với Lê Huỳnh Đức cũng ở vị trí tiền đạo, và thua xa so với Kiatisuk.
Trong khi đó, Malaysia dù chỉ mới một lần vô địch (năm 2010) nhưng vẫn có số lượng đại diện gấp đôi bóng đá Việt Nam trong đội hình này. Bóng đá xứ Mã lai có tiền đạo Safee Sali và tiền vệ nhạc trưởng Safiq Rahim được bầu chọn.
Dĩ nhiên, cũng giống như vị trí của Bambang Pamungkas, Safee Sali chưa chắc hay hơn Huỳnh Đức hay Lê Công Vinh (vô địch AFF Cup 2008) hoặc Nguyễn Anh Đức (vô địch AFF Cup 2018) khi được đặt ở vị trí trung phong, và dĩ nhiên kém hai chân sút cự phách của bóng đá Thái Lan là Kiatisuk Senamuang và Worrawoot Srimanka.
Tương tự như thế, Safiq Rahim không so được với Quang Hải (vô địch AFF Cup 2018) của bóng đá Việt Nam khi đặt ở vị trí tiền vệ tấn công, bởi đẳng cấp của Quang Hải đã là đẳng cấp tiệm cận trình độ châu Á, được giới bóng đá châu Á công nhận.
Quốc gia có đông đại diện nhất ở đội hình tiêu biểu AFF Cup qua các thời kỳ là Thái Lan, với 4 cầu thủ, gồm thủ môn Kawin, hậu vệ trái Theerathon Bunmathan, tiền vệ tấn công Chanathip Songkrasin và tiền vệ Teerasil Dangda.
Thái Lan cũng là đội bóng vô địch AFF Cup nhiều lần nhất, với 5 lần đoạt cúp vào các năm 1996, 2000, 2002, 2014 và 2016.
Trong khi đó, Singapore với 4 lần vô địch AFF Cup (1998, 2004, 2007 và 2012) có 3 đại diện, gồm trung vệ Baihakki Kaizan, hậu vệ phải Daniel Bennett và tiền vệ Hariss Harun.