Nữ VĐV đặc biệt nhất ở Olympic: Mất một tay nhưng vẫn… giành chiến thắng
(Dân trí) - Natalia Partyka là vận động viên (VĐV) đặc biệt nhất ở Olympic 2020. Mặc dù mất một tay nhưng cô vẫn giành chiến thắng ở môn bóng bàn.
Olympic là nơi mà tinh thần thể thao cao thượng được tôn vinh nhưng đó cũng là nơi chứa đựng rất nhiều câu chuyện được kể lại. Mỗi vận động viên (VĐV) sẽ mang tới một câu chuyện của riêng họ. Trong đó, có những câu chuyện vô cùng đặc biệt như của Natalia Partyka, nữ VĐV bóng bàn người Ba Lan.
Cô là nữ VĐV duy nhất tham dự cả Olympic 2020 lẫn Paralympic 2020 (Thế vận hội dành cho người khuyết tật). Ở trận ra quân, cô đã xuất sắc giành chiến thắng trước đối thủ Australia, Michelle Bromley với tỷ số 4-0 (11-3, 11-5, 11-5, 11-7).
Tới đây, nhiều người đang ngỡ rằng mình đang nghe nhầm. Nhưng thực tế đúng là như vậy!
Natalia Partyka không may mắn như nhiều người khác. Cô bị khiếm khuyết khi mất phần cẳng tay phải. Và có một điều đáng nể ở VĐV người Ba Lan, cô đã lựa chọn thể thao để chiến thắng nghịch cảnh. Cần phải nói thêm rằng, trong thể thao, yếu tố hoàn hảo (nhanh nhẹn, khéo léo…) được đề cao, nhất là với thể thao đỉnh cao.
Natalia Partyka đương nhiên không có điều đó. Một người lành lặn hướng tới thành tích cao trong thể thao đã khó, huống hồ một người mất đi cẳng tay phải như cô.
Thế nhưng, có một điều mà nữ VĐV sinh năm 1989 không bị khiếm khuyết, đó là nghị lực. Nếu như một vận động viên bình thường nỗ lực 10 phần để hướng tới đỉnh cao, thì Natalia Partyka còn phải nỗ lực hơn gấp bội để bù đắp lại khiếm khuyết cơ thể.
Trên tờ Clarin, Natalia Partyka từng chia sẻ: "Tôi biết rằng việc theo đuổi nghiệp thể thao không bao giờ là dễ dàng, nhất là với người khuyết tật như tôi. Vì lẽ, lúc nào, tôi cũng phải chạy thật nhanh hơn, nỗ lực hơn gấp bội những người bình thường. Chỉ như vậy, tôi mới không bị bỏ lại phía sau".
Cuộc đời của nữ VĐV người Ba Lan là chuỗi ngày chiến thắng nghịch cảnh. Bố mẹ cô không chấp nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào cho con gái mình. Thay vào đó, ngay từ nhỏ Natalia Partyka đã phải "sống một cuộc đời của người lành lặn".
"Có một lần, cô bạn của mẹ tôi ngỏ ý muốn bóc hộ tôi một chiếc kẹo nhưng bố mẹ tôi ngăn cấm. Họ muốn tôi tự lập, chiến tích nghịch cảnh. Tôi thường xuyên phải tự làm mọi thứ, từ đi xe đạp, tới buộc dây giày" - VĐV 32 tuổi chia sẻ.
Nhưng có lẽ, khi nghịch cảnh không thể "giết chết" được, nó sẽ càng khiến người ta trở nên mạnh mẽ hơn. Natalia Partyka tìm tới thể thao giống như phương thuốc "giảm đau trong lòng" và cũng là nơi để cô chứng tỏ nghị lực phi thường của mình.
Khi lên 7 tuổi, Natalia Partyka đã ghi danh học bóng bàn. Bốn năm sau, cô xuất hiện ở Paralympic 2000 tại Sydney khi mới 11 tuổi. Kể từ đó tới nay, cô không có đối thủ ở giải thể thao dành cho người khuyết tật.
Thế nhưng, Natalia Partyka là con người không chịu an phận. Tới năm 2008, cô đã tham dự Olympic và chinh chiến song song ở hai giải đấu Olympic và Paralympic kể từ đó tới nay.
Chiến thắng của Natalia Partyka trước Michelle Bromley ở vòng 1 giải bóng bàn đơn nữ là bất ngờ? Câu trả lời là không. Bởi ở kỳ Olympic 2012, cô từng lọt vào tới vòng 1/32 ở nội dung này và chỉ chịu dừng bước trước tay vợt Jie Li người Trung Quốc.
Ở giải đấu năm nay, cô đã dừng bước ở vòng 2 sau thất bại sau 6 set trước tay vợt người Ai Cập, Meshref. Nhưng ai cũng hiểu, thành tích không phải là mục tiêu mà Natalia Partyka hướng tới. Điều quan trọng, cô muốn truyền cảm hứng về nghị lực sống.
"Không ai mong đợi tôi giành huy chương cả. Vì vậy, tôi có thể tận hưởng niềm vui của riêng mình mà không chịu bất kỳ áp lực nào" - Natalia Partyka chia sẻ.
Tờ Elnuevodia từng nhấn mạnh: "Câu chuyện của Natalia Partyka có thể truyền cảm hứng cho bất kỳ ai". Thế nhưng, Natalia Partyka chưa nghĩ tới điều to tát ấy: "Tôi nghe rằng mọi người đang xem nghĩa rằng câu chuyện của tôi sẽ truyền cảm hứng. Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Tôi chỉ quan niệm rằng mình sẽ cố gắng hết sức, tiếp tục cải thiện hàng ngày. Tôi đã bước sang tuổi 32 rồi nhưng tôi vẫn muốn cải thiện để chứng minh rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Mỗi lần tham dự Paralympic, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện về mảnh đời của những VĐV. Nó truyền cảm hứng cho tôi. Nó không cho phép tôi dừng lại. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng mọi người hãy giữ vững niềm tin vào bản thân mình. Không điều gì là không thể".
Chẳng điều gì có thể ngăn nổi nghị lực phi thường, chỉ trừ chính bản thân chúng ta…