1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Câu chuyện "rơi nước mắt" về cặp anh em vô cùng đặc biệt ở Olympic 2020

H.Long

(Dân trí) - Dù là hai anh em ruột nhưng Mohamad và Alaa Maso lại thi đấu cho hai đội tuyển khác nhau ở Olympic. Câu chuyện về họ cũng vô cùng đặc biệt.

Thể thao là nơi để hàn gắn những nỗi đau, xóa nhòa mọi ranh giới. Có một hình ảnh rất đẹp trong lễ khai mạc Olympic khi hai anh em người Syria, Mohamad và Alaa Maso ôm nhau và nở nụ cười tươi rói.

Câu chuyện rơi nước mắt về cặp anh em vô cùng đặc biệt ở Olympic 2020 - 1

Hai anh em Mohamad và Alaa Maso ôm nhau trong lễ khai mạc. Dù cùng là người Syria nhưng họ thi đấu ở hai đội tuyển khác nhau.

Câu chuyện chẳng có gì vì họ là anh em trong gia đình. Nhưng nó sẽ đặc biệt hơn nếu họ đại diện cho hai đội tuyển khác nhau. Alaa Maso (21 tuổi) là VĐV bơi lội đại diện cho đội tuyển tị nạn ở Olympic 2020, còn người anh Alaa Maso (28 tuổi) là thi đấu ở 3 môn phối hợp, đại diện cho đội tuyển Syria.

Tới đây, câu chuyện dần được hé lộ. Chiến tranh đã đẩy họ về hai đầu chiến tuyến nhưng cái ôm đặc biệt ấy là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của thể thao.

Cũng giống như bao đứa trẻ khác, Mohamad và Alaa Maso có một tuổi thơ yên bình tại Syria, được sự dạy dỗ của gia đình và cùng theo nghiệp thể thao.

Thế nhưng, bỗng một ngày, bom đạn nổ ra trên mảnh đất mà họ lớn lên. Hai anh em Maso đã gạt lệ, rời xa quê hương Aleppo để bắt đầu hành trình lênh đênh trên biển vào năm 2015. Họ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Bắc Macedonia, Serbia, Áo và cuối cùng tới Đức. Vì tương lai của những đứa con, cha mẹ đã quyết định để hai đứa con của mình trải qua hành trình "sinh tử". Còn họ, những con người đã gắn bó với mảnh đất Syria trong cả cuộc đời, đã quyết định bám trụ lại quê hương.

Câu chuyện rơi nước mắt về cặp anh em vô cùng đặc biệt ở Olympic 2020 - 2

Alaa Maso khoác áo đội tuyển tị nạn ở Olympic 2020.

Trong hành trình ở nơi đất khách quê người, hai anh em Maso đã lớn lên cùng nhau, phát triển cùng nhau và cùng hướng tới tương lai tốt đẹp ở thể thao. Và rồi, một ngày, họ cũng chiến đấu ở đấu trường Olympic nhưng với hai màu áo khác nhau. Alaa Maso đã không lựa chọn Syria như người anh của mình, mà chọn đội tuyển tị nạn.

Cái ôm ở lễ khai mạc Olympic không phải là hành động của những con người xa cách, mà chính là thông điệp mà họ muốn gửi gắm tới toàn thế giới, về nỗi đau của chiến tranh. Nếu tiếng súng không nổ ra ở Syria, có lẽ giờ đây, hai anh em đã đại diện cho cùng một màu áo, mang theo niềm tự hào của đất nước Syria ở Olympic.

Nhưng không! Cuộc chiến ở Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 500.000 người. Cùng với đó, hàng triệu người khác đã buộc phải bỏ xứ như hai anh em nhà Maso.

Alaa Maso từng trải qua 2 năm (2012-2014) không thể tập luyện vì chiến tranh ở quê nhà. Họ làm sao có thể làm được điều đó khi hàng ngày luôn phải chiến đấu để giành giật sự sống.

Nói về quyết định đầu quân cho đội tuyển tị nạn (mà không phải Syria), Alaa Maso lý giải: "Sẽ thật ý nghĩa nếu như trên thế giới không còn người tị nạn. Thế nhưng, dù sao tôi cũng biết ơn những ngày qua vì nó đã giúp tôi trở thành VĐV bơi lội.

Tôi sẽ không thể tập luyện bơi lội ở Syria vì tình hình không an toàn. Tôi cũng không được tranh tài ở giải vô địch quốc gia và có cơ hội thi đấu cọ sát".

Câu chuyện rơi nước mắt về cặp anh em vô cùng đặc biệt ở Olympic 2020 - 3

Mohamad Maso thi đấu cho đội tuyển Syria.

Trong khi đó, người anh Mohamad Maso tâm sự: "Lúc đạp xe, tôi thấy hai bên đang giao chiến. Lựu đạn quăng ra nhiều như mưa. Tôi phải nhảy xuống mương để tránh. Tình hình lúc đó thật kinh khủng. Sân vận động khi tôi tập luyện đã bị đánh bom, khi tôi đang đi bộ ở đó. Tôi đã mất rất nhiều thứ và buộc phải làm lại từ con số 0".

Anh em nhà Mason từng trải qua 15 tháng trong trại tị nạn ở Hà Lan và Đức trước khi ổn định cuộc sống và bắt đầu trở lại con đường thể thao chuyên nghiệp. Ngay từ năm 2018, họ đã bắt đầu tập luyện để chinh phục giấc mơ Olympic. Tuy nhiên, họ phải tự tìm nguồn tài trợ và chi phí tập luyện.

Ở kỳ Olympic 2020, đoàn thể thao Syria chỉ còn 6 vận động viên tranh tài. Trong đó có VĐV bóng bàn 12 tuổi Hend Zaza (người trở thành VĐV trẻ nhất thi đấu ở Olympic kể từ năm 1968). Còn lại khá nhiều VĐV nổi danh của Syria như kình ngư Yusra Mardini đã lựa chọn khoác áo đội tuyển tị nạn thi đấu ở Olympic.

Dòng sự kiện: Olympic Tokyo