1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Ai phải chịu trách nhiệm khi V-League xuống cấp?

(Dân trí) - Về danh nghĩa, VPF là đơn vị tổ chức giải V-League. Tuy nhiên, các ban chức năng nắm giữ kỷ cương của V-League gồm Ban trọng tài, Ban kỷ luật, hay giải quyết khiếu nại đều thuộc VFF. Thành ra, VFF phải có trách nhiệm với sự xuống cấp của V-League hiện nay.

Đơn cử như chuyện VPF, mà cụ thể là chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng không ít lần tỏ thái độ không hài lòng về chất lượng trọng tài. Nhưng bản thân ông Thắng hay VPF cũng đành bất lực, vì trọng tài không nằm trong quyền quản lý của VPF.

Thành ra, có bức xúc về công tác trọng tài, có không hài lòng về khâu bồi dưỡng và đào tạo trọng tài thì đơn vị tổ chức giải cũng đành chịu.

Ban trọng tài thuộc quyền quản lý trực tiếp của VFF. Trọng tài yếu kém, người đứng đầu Ban trọng tài quản lý yếu kém, dư luận phản ứng, khán giả quay lưng với giải đấu, trong khi khán giả là nguồn sống của V-League, VPF hiểu chuyện này, nhưng họ đành bó tay vì họ không có bất cứ quyền nào đối với khâu trọng tài, để đáp ứng yêu cầu của khán giả.

V-League xuống cấp nhưng thử hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự xuống cấp của giải đấu này (ảnh: Trọng Vũ)
V-League xuống cấp nhưng thử hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự xuống cấp của giải đấu này (ảnh: Trọng Vũ)

Trong khi đó, bên nắm quyền về trọng tài là VFF lại hầu như “án binh bất động” trước tình trạng giải vô địch quốc gia bị khán giả quay lưng, khâu trọng tài gây bức xúc triền miên. Người đứng đầu VFF là chủ tịch Lê Hùng Dũng hầu như không còn điều hành tổ chức này về thực chất, do sức khoẻ yếu vì bệnh.

Các cấp phó của ông Dũng hoặc không được đánh giá cao về khâu quản lý, hoặc không bao giờ muốn dính đến trách nhiệm trong việc điều hành bộ máy, điều hành nhân sự.

Thành ra, khi đứng trước yêu cầu phải thay trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, do ông này quản quân quá tồi qua nhiều năm, VFF không có người chịu trách nhiệm chính trong việc cho ông Mùi tạm ngưng làm nhiệm vụ để cứu V-League, mà năm ngoái lại mượn Hội nghị Ban chấp hành (BCH) quyết định, để đẩy trách nhiệm sang... tập thể.

Mà BCH đấy có phải ai cũng làm việc có trách nhiệm đâu. Mới nhất là phát biểu ví trọng tài “học ở trường mù” của uỷ viên BCH Lê Nguyên Hồng.

Nói câu đấy, tức là ông Hồng cũng không đánh giá cao năng lực của trọng tài, dưới trướng ông Nguyễn Văn Mùi. Biết trọng tài năng lực kém khi đặt dưới sự điều hành của trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, nhưng chính ông Hồng lại là một trong những người bỏ phiếu tín nhiệm giữ ông Mùi ở lại VFF, ở lại ghế trưởng Ban trọng tài. Làm thế thì khác nào làm hại giới trọng tài Việt Nam, làm hại V-League và làm hại cả bóng đá Việt Nam, khi giữ lại cán bộ quản lý mà năng lực không đáp ứng được yêu cầu công việc?

Rồi riêng chuyện của ông Lê Nguyên Hồng ở V-League cũng là một bất cập. Ông Hồng phát biểu làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của giải đấu, nhưng VPF và BTC V-League không thể xử lý, vì ông Hồng không đăng ký chức danh cụ thể ở đội Quảng Nam (cho dù trước đó ông thường xuyên xuất hiện sát sườn đội này).

Xử lý được ông Lê Nguyên Hồng trên tư cách uỷ viên BCH, kiêm trưởng Ban bóng đá phong trào của VFF, nhưng lại phát biểu thiếu kiềm chế, ngoài khuôn khổ, cũng chỉ có thể là VFF. Nhưng VFF tiếp tục lặng như từ, tiếp tục buông lỏng kỷ cương đối với người nhà của chính mình.

Vậy thì còn ai tin vào kỷ cương của VFF, còn ai tôn trọng luật chơi khi chính người của cơ quan quản lý nền bóng đá sẵn sàng công kích giải đấu và các thành phần tạo nên giải đấu của VFF?

V-League xuống cấp, bóng đá Việt Nam tầm mức CLB và giải vô địch quốc gia đang mất kiểm soát vì người về danh nghĩa to nhất VFF thực chất thời gian dài vừa qua không làm việc đúng nghĩa, còn người được giao quyền quản lý bộ máy VFF thì không phải làm nhân vật chịu trách nhiệm cho hoạt động và cho khâu điều hành của tổ chức này!

Trọng Vũ

Ai phải chịu trách nhiệm khi V-League xuống cấp? - 2

Dòng sự kiện: V-League 2017