Chấn chỉnh V-League từ khâu tổ chức

(Dân trí) - Trọng tài yếu kém, các CLB thiếu tôn trọng luật chơi, khán giả càng lúc càng vắng, đấy đều là những vấn đề thuộc về khâu quản lý. Thành ra, để chấn chỉnh V-League thì điều cần nhất là chấn chỉnh khâu quản lý giải đấu này.

Thật ra thì năng lực quản lý và tính trách nhiệm của những người điều hành V-League và điều hành bóng đá Việt Nam đã được thể hiện từ những sự cố ở sân chơi này.

Ở sự cố trên sân Thống Nhất tối 19/2, liên quan đến trận CLB TPHCM – Long An, ông trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc ngồi trên khán đài. Tuy nhiên, khi toàn thể đội bóng Long An phản ứng trọng tài Nguyễn Trọng Thư bằng cách bỏ trống khung thành, vị trưởng BTC V-League ngồi im như tượng, mà không có bất cứ động thái nào để nhắc nhở các đội bóng, nhắc nhở các giám sát làm dịu tình hình.

Thậm chí, chuyên gia Đoàn Minh Xương còn phân tích, lẽ ra, sau khi chứng kiến những tiếng còi bất thường của trọng tài Trọng Thư sau hiệp 1, và chứng kiến diễn biến tâm lý có phần căng thẳng vì bị dồn nén của các cầu thủ Long An, ông trưởng BTC V-League phải rút kinh nghiệm tại chỗ với các giám sát trận đấu và giám sát trọng tài ở giờ nghỉ giữa 2 hiệp, chứ không chờ đến sự cố xảy ra mới ngồi... bất động.

V-League diễn ra giữa tình trạng vắng khán giả và những tranh cãi triền miên về trọng tài (ảnh: Anh Hải)
V-League diễn ra giữa tình trạng vắng khán giả và những tranh cãi triền miên về trọng tài (ảnh: Anh Hải)

Không một lời xin lỗi nào được đưa ra từ người đứng đầu giải đấu, không một câu nhận trách nhiệm nào. Ông Ngọc chỉ được thông báo có xin từ chức nhưng được Hội đồng quản trị VPF (công ty tổ chức V-League) giữ lại, trong cuộc họp kín của VPF. Dĩ nhiên, chẳng có ai kiểm chứng thông báo đấy, và người ta có quyền thắc mắc nếu từ chức sao ông Ngọc không từ chức công khai ngay từ đầu, giống cách chủ tịch CLB Long An Võ Thành Nhiệm sẵn sàng đón nhận, để thực sự sòng phẳng?

Thiếu sòng phẳng cũng là tình trạng chung của nhiều ban bệ điều hành V-League. Ban trọng tài sẵn sàng dùng câu chữ để giúp tiền đạo Hoàng Vũ Samson lách luật, lách án phạt (họ bảo rằng Samson “chỉ vào bóng liều lĩnh”). Chỉ đến khi dư luận phản ứng quá mạnh, cấp trên của Ban trọng tài mới vào cuộc và “phạt nguội” tiền đạo của Hà Nội FC ,vì vào bóng thô bạo với Ngọc Quang (HA Gia Lai), coi như gián tiếp “tuýt còi” giới trọng tài nội.

Hoặc sau vụ “bẻ còi” trên sân Pleiku, Ban trọng tài vẫn nhận định trọng tài Trần Xuân Nguyện hoàn thành nhiệm vụ, bất chấp trận đấu ít nhất 2 lần phạm tạm dừng, rồi nếu không có hành động can ngăn của các cầu thủ HA Gia Lai, có khi trận đấu đã vỡ.

Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc (trái) bị dư luận phê phán sau sự cố trên sân Thống Nhất, trận CLB TPHCM - Long An
Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc (trái) bị dư luận phê phán sau sự cố trên sân Thống Nhất, trận CLB TPHCM - Long An

Những người tổ chức giải thiếu sòng phẳng nên cũng khó đòi hỏi sự sòng phẳng từ phía các đội bóng. V-League 2017 sau lượt đi không thiếu những lá đơn khiếu nại, không thiếu những màn nhào vào sân phản đối trọng tài, cũng không thiếu những từ ngữ chói tai, thậm chí mang tính xúc phạm nhằm vào giới “vua sân cỏ”.

Đấy dĩ nhiên là hành vi thiếu chuyên nghiệp và đáng phê phán, nhưng có thể nó xuất phát từ tâm lý chung của các đội bóng ở chỗ, giới trọng tài khi làm sai còn tìm cách lách luật, né trách nhiệm (qua tuyên bố không công khai sai phạm của trọng tài, dù FIFA không có quy định ấy), người tổ chức giải cũng muốn né trách nhiệm, thì người tham gia cuộc chơi dại gì mà tự nhận mình yếu kém? Dại gì nhận trách nhiệm khi gặp kết quả không như ý?

V-League vì thế mất hết kỷ cương, còn người hâm mộ mất hết niềm tin vào giải đấu. Nhiều người phần đông giờ cũng không còn kiên nhẫn với những lời hứa suông của các nhà quản lý nền bóng đá, quản lý V-League vào chuyện thay đổi diện mạo giải đấu, chấn chỉnh các ban chức năng thể hiện sự yếu kém trong khâu điều hành. Và cách trả lời nhẹ nhàng nhất của người hâm mộ là... hạn chế đến sân!

Kim Điền

Chấn chỉnh V-League từ khâu tổ chức - 3

Dòng sự kiện: V-League 2017

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm