1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung đột Mỹ - Triều nếu xảy ra sẽ như thế nào?

(Dân trí) - Nếu muốn phát động một cuộc chiến tranh với Mỹ, Triều Tiên có thể sẽ không tấn công trực tiếp vào các căn cứ quân sự hay lãnh thổ Mỹ. Thay vào đó, Bình Nhưỡng sẽ nhắm tới các mục tiêu khác.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát hoạt động quân sự của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát hoạt động quân sự của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Theo Trung tướng Jan-Marc Jouas - cựu phó chỉ huy Lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, nếu Triều Tiên muốn phát động chiến tranh với Mỹ, nước này sẽ không bắt đầu bằng một cuộc tấn công trực tiếp vào các căn cứ quân sự hay lãnh thổ Mỹ. Thay vào đó, Bình Nhưỡng có thể sẽ tấn công các đồng minh của Mỹ và chờ đợi sự đáp trả từ Washington.

“Xét đến bối cảnh Mỹ chắc chắn sẽ đáp trả, Triều Tiên sẽ không tấn công lục địa Mỹ, vùng Alaska hoặc một trong bốn hòn đảo hay căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương, ngoài một cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên”, tướng Jouas nói với Newsweek.

“Nếu mục tiêu của Bình Nhưỡng là sử dụng vũ lực để thống nhất hai miền Triều Tiên, nước này có thể sẽ chọn cách tiếp cận là một đòn tấn công hủy diệt, sau đó nhanh chóng triển khai bộ binh tới Hàn Quốc nhằm chiếm nhiều khu vực trên lãnh thổ Hàn Quốc nhất có thể, trước khi đông đảo quân Liên Hợp Quốc, Mỹ và quân dự bị của Hàn Quốc tham chiến”, tướng Jouas phỏng đoán.

Theo báo cáo do tướng Jouas gửi một số nghị sĩ Dân chủ trong Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 11, nếu Triều Tiên phát động tấn công Hàn Quốc, lực lượng binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc ban đầu sẽ bị lép vế và đối mặt với hàng loạt rào cản về hậu cần. Hiện Mỹ duy trì khoảng 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc trong khi quân số của Triều Tiên ước tính khoảng 1,1 triệu người.

Cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho rằng, việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học có thể sẽ làm gia tăng khả năng sát thương trong cuộc tấn công khai mào của Triều Tiên nhằm vào quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, điều này nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự đáp trả mạnh mẽ hơn từ phía Mỹ. Khi đó, Washington sẽ triển khai các tàu ngầm, tàu nổi, máy bay ném bom và hàng loạt khí tài quân sự khác từ ngoài vào bán đảo Triều Tiên.

"Trò chơi" mạo hiểm


Các máy bay Mỹ - Hàn tập trận trên bán đảo Triều Tiên hồi tháng 8 (Ảnh: Getty)

Các máy bay Mỹ - Hàn tập trận trên bán đảo Triều Tiên hồi tháng 8 (Ảnh: Getty)

Về sức mạnh hạt nhân, Triều Tiên được cho là có khoảng 25-60 vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nước này đã đạt được công nghệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ hay chưa.

Mỹ hiện duy trì nhiều khí tài quân sự xung quanh Triều Tiên, đặc biệt ở Nhật Bản và Guam. Tại Nhật Bản, ngoài các máy bay tàng hình tối tân F-35, Mỹ còn triển khai gần 45.000 quân. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng có khoảng 627.500 quân thường trực và 5,2 triệu quân dự bị được huấn luyện thường xuyên để đối phó với Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, Triều Tiên có thể sẽ giành ưu thế trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, song rốt cuộc quân đội Mỹ cũng sẽ lật ngược tình thế bằng công nghệ vũ khí hiện đại phối hợp cùng sự hỗ trợ của các đồng minh.

“Rốt cuộc, tôi tin rằng chúng tôi (Mỹ) sẽ chiếm ưu thế, nhưng phải trả giá đắt bằng sinh mạng và sự hủy diệt”, tướng Jousas cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên không muốn gây chiến với Mỹ vì mục tiêu cuối cùng của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Ông Kim Jong-un cũng hiểu rằng một cuộc xung đột hoàn toàn có thế hủy diệt Triều Tiên. Theo đó, những tuyên bố cứng rắn và chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thực chất chỉ là một phần trong chiến lược răn đe. Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ quên những thương vong và thiệt hại mà Mỹ đã trút xuống trong cuộc chiến tranh liên Triều đầu thập niên 1950.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng nhận định rằng hoàn toàn có khả năng Triều Tiên phát động một cuộc tấn công nhằm vào Mỹ do tính toán sai lầm của Tổng thống Donald Trump, và cuộc tấn công này có thể xảy ra khi Mỹ tiến hành tập trận quy mô lớn với Hàn Quốc ở gần bán đảo Triều Tiên.

Theo ông Mark Fitzpatrick, giám đốc điều hành Văn phòng Mỹ thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington, Tổng thống Trump đang chơi trò chơi “mạo hiểm” với Triều Tiên bằng những phát ngôn cứng rắn của nhà lãnh đạo Mỹ.

“Những phát ngôn này có thể dễ dàng bị hiểu lầm, đặc biệt từ phía Triều Tiên - những người tin rằng Mỹ đang có ý định hủy diệt họ. Do vậy, họ sẽ có xu hướng khai hỏa trước nếu cảm thấy một cuộc tấn công đang tới gần”, chuyên gia Mark nhận định.

Thành Đạt

Theo Newsweek