1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xuất hiện những xung lực mới có thể giúp Ukraine chiến thắng

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Đầu năm 2024, Kiev đã ký 7 thỏa thuận với các nước đồng minh, nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine trong thập kỷ tới.

Xuất hiện những xung lực mới có thể giúp Ukraine chiến thắng - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) chụp ảnh selfie với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (phải) trong chuyến thăm tới căn cứ không quân Eindhoven ngày 20/8/2023 (Ảnh: AFP).

Theo cố vấn ngoại giao của Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine đang đàm phán thêm 10 thỏa thuận song phương như vậy nữa.

Câu hỏi lớn nhất là liệu các thỏa thuận này có thể ngăn chặn một cuộc xung đột đóng băng kéo dài và tạo ra nền tảng cho chiến thắng của Kiev trong cuộc xung đột với Moscow hay không.

Các thỏa thuận "bảo đảm an ninh" bao gồm những cam kết viện trợ quân sự khác nhau cho năm 2024 và những năm tiếp theo. Các cam kết dài hạn bao gồm hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hỗ trợ nhân đạo,...

Theo ông Max Bergmann, Giám đốc Chương trình Châu Âu, Nga và Á - Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, sự thất vọng lớn nhất là thiếu các cam kết viện trợ quân sự ổn định sau năm 2024 để gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga, và cho phép Ukraine cùng đồng minh của họ lên kế hoạch dài hạn.

Các thỏa thuận này phản ánh sự chia rẽ trong NATO và những thách thức mà Ukraine cùng các đồng minh đang phải đối mặt.

Stefan Meister, người đứng đầu chương trình Đông Âu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết: "Hiện tại, đây là điều tốt nhất Ukraine có thể nhận được".

Ngân sách viện trợ

Mỗi quốc gia đã cam kết một số tiền khác nhau cho Ukraine vào năm 2024, trong đó Đức cam kết mức cao nhất là 7,1 tỷ euro (7,6 tỷ USD), trong khi Đan Mạch cam kết nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác nếu tính theo tỷ lệ % GDP.

Vương quốc Anh, Hà Lan, Đức và Đan Mạch đều đặt mục tiêu rõ ràng về viện trợ quân sự. Trong khi đó, Pháp cam kết lên tới 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD), cam kết 3,02 tỷ USD của Canada bao gồm hỗ trợ kinh tế vĩ mô và quân sự. Italy không nêu rõ con số cụ thể nhưng đồng ý duy trì mức hỗ trợ tương tự như trước đó, nước này chỉ đóng góp hơn 700 triệu USD viện trợ quân sự kể từ năm 2022.

Viện trợ quân sự của Pháp - bị một số đồng minh coi là mờ nhạt - luôn là nguyên nhân gây căng thẳng, đặc biệt là sau những bình luận táo bạo của Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất triển khai quân tới Ukraine.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận của Pháp với Ukraine, cho đến nay, nước này đã đóng góp 3,8 tỷ euro (4,1 tỷ USD) viện trợ quân sự, một con số khá cao.

Tiến sĩ Marie Dumoulin, cựu nhà ngoại giao Pháp và chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, đồng ý rằng các ước tính trước đây đã đánh giá thấp sự hỗ trợ của Pháp. Paris đã chuyển một số vũ khí có thể "thay đổi cuộc chơi" đến Ukraine, như tên lửa SCALP, tên lửa phòng không và pháo tự hành Ceasar.

Xuất hiện những xung lực mới có thể giúp Ukraine chiến thắng - 2

Tỷ lệ cam kết viện trợ cho Ukraine so với GDP của các quốc gia đồng minh, từ trái qua phải lần lượt là Đức, Pháp, Anh, Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Italy (Kyiv Independent).

Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào nêu rõ chính xác loại viện trợ quân sự mà các đồng minh dự định cung cấp và liệu điều này có bao gồm việc chuyển giao vũ khí, đào tạo hay hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hay không.

Chuyên gia Bergmann thừa nhận rằng ông thất vọng vì thiếu các cam kết tài chính dài hạn của các đồng minh để các bên dễ lên kế hoạch. Ông nói, "khi Mỹ cam kết, chẳng hạn, một tỷ USD mỗi năm cho Israel để mua F-35, điều này mang lại sự ổn định cho tất cả mọi người, bao gồm cả Lockheed (nhà sản xuất), biết rằng họ sẽ nhận được số tiền đó và có thể đầu tư vào tương lai".

Căng thẳng xuyên Đại Tây Dương

Sự không chắc chắn trong tương lai là yếu tố thúc đẩy đằng sau các thỏa thuận. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp gần một nửa tổng số viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm một số vũ khí hiệu quả nhất, từ hệ thống chống tăng Javelin đến hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS.

Ngoài những cam kết ngắn hạn sẽ được chi cho đạn và bom đáp ứng nhu cầu khẩn cấp ở tiền tuyến, cả 7 thỏa thuận đều nhấn mạnh vào việc phát triển công nghiệp quốc phòng châu Âu, bao gồm cả ở Ukraine.

Theo ông Bergmann, dự luật hỗ trợ Ukraine - được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất vào tháng 10/2023 và bị đình trệ tại Quốc hội kể từ đó - là một "lời cảnh tỉnh" đối với các nước châu Âu.

Chuyên gia Bergmann cho rằng, EU có khả năng sản xuất nhiều hơn nữa nhưng đã bắt đầu quá muộn và đang tiến triển chậm chạp.

Phát biểu từ bên kia Đại Tây Dương, chuyên gia Stefan Meister nói rằng, một ngày nào đó châu Âu có thể đứng một mình.

Xuất hiện những xung lực mới có thể giúp Ukraine chiến thắng - 3

Pháo tự hành Caesar trên chiến trường Ukraine (Ảnh: Reuters).

Một chặng đường dài

Thông điệp chính mà những thỏa thuận gửi tới - cho cả Kiev và Moscow - là các đồng minh của Ukraine cam kết dài hạn trong thập kỷ tới. Hầu hết chuyên gia đồng ý về nội dung của thông điệp nhưng dường như không mấy tin tưởng về sức mạnh của nó.

Dumoulin, người có kinh nghiệm đàm phán, các thỏa thuận Minsk về ngừng bắn giữa Ukraine và Nga năm 2014 - 2015 đã mang đến cho bà cái nhìn sâu sắc độc đáo về tư duy ngoại giao của Nga, các thỏa thuận này rất quan trọng trong việc xua tan hy vọng giành chiến thắng của Moscow bằng cách chia rẽ phương Tây.

Sau thất bại của cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm 2023 và sự đoàn kết giữa các đồng minh bị rạn nứt, nhiều người lo ngại rằng những năm tới xung đột sẽ đóng băng, hoặc tệ hơn là sự thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực có lợi cho Nga.

Đại sứ William Courtney, cựu nhà ngoại giao Mỹ và là thành viên cao cấp của tổ chức tư vấn phi lợi nhuận RAND, đã đưa ra những so sánh tạm thời với những năm cuối của cuộc chiến tranh Liên Xô ở Afghanistan. "Năm 1989, lực lượng Liên Xô dường như chiếm thế thượng phong ở Afghanistan, chỉ hai năm sau, Liên Xô không còn tồn tại", ông nói.

Cơ sở cho sự lạc quan của các chuyên gia là Kiev và đồng minh có thể biến cuộc xung đột lâu dài thành lợi thế của Ukraine với giả định rằng sự hỗ trợ ổn định, mạnh mẽ của phương Tây là điều kiện cần thiết cho thành công này.

Không có sự phát triển đơn lẻ nào - quân sự hay chính trị - có thể kết thúc chiến sự ngay lập tức. Trong khi ông Courtney lạc quan về sự xuất hiện sắp tới của các máy bay chiến đấu F-16 và khả năng tích hợp của hệ thống cảnh báo và kiểm soát sớm trên không (AWACS) của NATO, thì các nhà phân tích khác lại tỏ ra nghi ngờ hơn. Tương tự, năm 2024 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử trên toàn cầu, thử thách sự ủng hộ của đồng minh đối với Ukraine.

Các chuyên gia nhất trí rằng Ukraine có thể phá vỡ bế tắc để có lợi cho mình, miễn là các thỏa thuận an ninh chỉ là bước khởi đầu cho một khuôn khổ hợp tác quân sự có ý nghĩa trong thập kỷ tới và xa hơn nữa.

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine