1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Viện nghiên cứu Trung Quốc dự đoán thời điểm kết thúc xung đột Nga-Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc (AMS) nhận định, xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc vào mùa hè 2023 khi kinh tế của hai bên bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến sự hơn một năm qua.

Viện nghiên cứu Trung Quốc dự đoán thời điểm kết thúc xung đột Nga-Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa gần Bakhmut, miền Đông nước này (Ảnh: Reuters).

Báo Nikkei Asia dẫn các nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc cho biết, vào tháng 12/2022, AMS, một đơn vị trực thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc thường cố vấn cho ban lãnh đạo cấp cao của nước này, đã hoàn thành một mô phỏng giả định về cuộc xung đột tại Ukraine. Kết quả mô phỏng cho thấy, xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc vào mùa hè năm 2023.

Báo cáo nói rằng, kinh tế Nga và Ukraine đều suy giảm đáng kể và khó duy trì xung đột qua mùa hè. Dự đoán này cũng trùng hợp với việc gói viện trợ trị giá 45 tỷ USD của Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái cũng sẽ hết hạn vào mùa hè này.

Nguồn tin cho biết thêm, ngay sau đánh giá của AMS, Trung Quốc tích cực hơn nữa đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine với việc đưa ra đề xuất hòa bình 12 điểm vào đúng dịp tròn một năm chiến sự Nga - Ukraine. Theo Nikkei, việc này nhằm 3 mục tiêu, trong đó có khôi phục quan hệ với châu Âu, đảm bảo dòng tiền đầu tư và công nghệ của châu Âu vào Trung Quốc, nỗ lực hòa giải thành công cũng sẽ giúp nâng vị thế của Bắc Kinh.

Nhằm thúc đẩy các cuộc hòa đàm đa phương về cuộc khủng hoảng Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đang cân nhắc thăm Nga vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới. Nikkei cho rằng, kịch bản Bắc Kinh mong muốn nhất là hòa đàm Nga - Ukraine sẽ diễn ra ngay sau chuyến thăm Moscow của ông Tập Cận Bình.

Hôm 24/2, Trung Quốc đã đưa ra bản đề xuất hòa bình gồm 12 điểm nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Các điểm đề xuất này gồm: (1) Tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia; (2) Từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh; (3) Ngừng các hành động thù địch; (4) Nối lại hòa đàm; (5) Giải quyết khủng hoảng nhân đạo; (6) Bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh; (7) Duy trì an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; (8) Giảm các rủi ro chiến lược; (9) Tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc; (10) Ngừng các lệnh trừng phạt đơn phương; (11) Giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp; (12) Thúc đẩy tái thiết hậu xung đột.

Tuy nhiên, EU, NATO tỏ ra hoài nghi và cho rằng kế hoạch hòa bình Trung Quốc nêu ra phản ánh không đầy đủ về cuộc chiến. "Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc mang tính chọn lọc và không đầy đủ", Nabila Massrali, phát ngôn viên Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh, bình luận. Cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cũng cho rằng kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra là "phi thực tế"

Trong khi đó, Moscow hoan nghênh đề xuất của Bắc Kinh. "Bất kỳ nỗ lực nào đề ra các kế hoạch khuyến khích chuyển cuộc xung đột sang con đường hòa bình đều đáng được chú ý. Chúng tôi rất quan tâm đến kế hoạch của những người bạn Trung Quốc", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. Mặc dù vậy, ông Peskov hôm 7/3 cũng nhấn mạnh, Nga không thấy có điều kiện tiên quyết để chuyển sang trạng thái hòa bình ở Ukraine, "do đó Nga sẽ đạt được các nhiệm vụ và mục tiêu bằng cách tiếp tục chiến dịch đặc biệt".

Theo Nikkei Asia
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine