1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tướng Mỹ nêu lý do Nga - Ukraine sẽ đàm phán chấm dứt xung đột

Minh Phương

(Dân trí) - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley tin rằng, không có bên nào chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine và sớm hay muộn, cuộc chiến này sẽ chấm dứt trên bàn đàm phán.

Tướng Mỹ nêu lý do Nga - Ukraine sẽ đàm phán chấm dứt xung đột - 1

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley (Ảnh: EPA).

"Người Nga gần như không thể đạt được các mục tiêu chính trị của họ bằng các biện pháp quân sự... Ukraine cũng khó có thể đẩy lùi hết lực lượng Nga khỏi lãnh thổ trong năm nay. Tuy nhiên, không có nghĩa là không thể xảy ra, song cực kỳ khó khăn. Về cơ bản điều đó đòi hỏi Ukraine phải làm sụp đổ lực lượng Nga", Tướng Mark Milley trả lời phỏng vấn Financial Times ngày 16/2.

Trả lời câu hỏi liệu thời gian dành cho giải pháp ngoại giao giữa Moscow và Kiev đã trôi qua chưa, ông nói hiện tại hai bên vẫn ra sức để đạt mục tiêu và chưa sẵn sàng đàm phán. Mặc dù vậy, ông Milley tin rằng Nga và Ukraine cuối cùng sẽ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.

Trước đó, tại cuộc họp của nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine diễn ra tại Bỉ hôm 14/2, Tướng Milley cho rằng, Nga đã thất bại về nhiều mặt trong chiến dịch ở Ukraine, bao gồm cả yếu tố chiến lược, tác chiến và chiến thuật.

Xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ hai và tiếp tục chiều hướng leo thang. Giới tình báo Ukraine và phương Tây nhận định, Nga đang tập hợp lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa xuân, quanh dịp tròn một năm ngày Moscow mở chiến dịch quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 15/2 nói rằng, đợt tấn công mới của Nga "có thể đã bắt đầu ở vài hướng khác nhau". Ông tuyên bố, quân đội Ukraine sẽ nỗ lực để ngăn chặn các cuộc tấn công này của Nga cho đến khi Kiev có thể mở đợt phản công mới. Do đó, ông kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây đẩy nhanh viện trợ khí tài.

Ông Zelensky cũng một lần nữa nhấn mạnh, Ukraine sẽ không bao giờ nhượng bộ hay thỏa hiệp về lãnh thổ với Nga. Ông nói, Ukraine muốn có các đảm bảo an ninh, trong khi bất cứ thỏa hiệp nào về lãnh thổ đều sẽ làm suy yếu đất nước.

Bình luận của ông Zelensky đưa ra trong bối cảnh giới chức Lầu Năm Góc cho hay, Nga đã đưa thêm hàng chục nghìn binh sĩ đến các vùng chiến sự, tăng tần suất pháo kích ở thành phố chiến lược Bakhmut, miền Đông Ukraine. Ông Zelensky khẳng định, quân đội Ukraine sẽ không từ bỏ Bakhmut và sẽ chiến đấu đến cùng bất chấp Mỹ và phương Tây khuyến cáo Kiev thay đổi chiến lược, chuyển trọng tâm sang các khu vực khác.

Về triển vọng hòa đàm với Nga, chính quyền Tổng thống Zelensky nhiều lần nêu rõ, hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine.

Tuy nhiên, theo ông Milley, cơ hội Ukraine giành được bất kỳ chiến thắng quân sự hoàn toàn hoặc ngắn hạn rất thấp, đồng thời cảnh báo Nga vẫn có sức mạnh chiến đấu đáng kể bên trong Ukraine. Ông nhận định, xác suất Ukraine đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ, bao gồm 4 vùng Nga mới tuyên bố sáp nhập và cả Crimea, là không cao nếu xét về mặt quân sự.

Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo Guardian, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine