Video nghi tiêm kích Ukraine bám đuổi, bắn rơi tên lửa Nga
(Dân trí) - Đoạn video được một số chuyên trang quân sự đăng tải được cho ghi lại cảnh tiêm kích của Ukraine bám theo và phóng hỏa lực bắn rơi một tên lửa hành trình của Nga.
Eurasian Times ngày 21/1 đăng tải đoạn video mà trang tin này mô tả là được cho ghi lại khoảnh khắc tiêm kích phòng không của Ukraine phóng hỏa lực bắn rơi tên lửa của Nga.
Theo chuyên trang quân sự trên, đoạn video trên được các trang mạng xã hội ủng hộ Ukraine đăng tải. Video được cho là ghi lại khoảnh khắc một tiêm kích của Kiev đánh chặn một tên lửa Moscow khiến vũ khí này nổ tung.
Đoạn video dường như được ghi hình lại từ thời điểm cuối tháng 10 ở vùng Chernivtsi, tây nam Ukraine. Chất lượng của đoạn video không cao nên chưa thể xác định chính xác loại máy bay nào của Ukraine tham chiến hay tên lửa nào của Nga đã bị đánh chặn, theo Eurasian Times.
Lực lượng máy bay phòng không của Không quân Ukraine có lực lượng nòng cốt là các tiêm kích MiG-29 và Su-27. Các máy bay MiG được sử dụng cho nhiệm vụ phòng không và tấn công không đối đất, còn Su-27 chủ yếu được huy động cho các nhiệm vụ không đối không.
Nhiệm vụ của MiG-29 hoặc Su-27 thường là tuần tra một khu vực nhằm tìm kiếm mối đe dọa trên không và tiến hành vô hiệu hóa mục tiêu đối thủ.
Thông thường, việc đánh chặn tên lửa thường là nhiệm vụ của các hệ thống đất đối không, trong khi Su-27 hay MiG-29 sẽ được huy động để ngăn chặn máy bay đối thủ.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, vì kho tên lửa đất đối không của Ukraine đang có dấu hiệu cạn đi sau thời gian dài chiến sự bùng phát, nên các tiêm kích của Kiev cũng được huy động để chặn tên lửa, hoặc máy bay không người lái (UAV), trong bối cảnh Nga gần đây tập kích dồn dập các mục tiêu của Ukraine.
Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Ukraine chia sẻ hồi tháng 6, ngay từ giai đoạn đầu chiến sự, các phi công của phía Kiev đã được tập hợp để huấn luyện đặc biệt về năng lực đánh chặn tên lửa hành trình. Trong khóa huấn luyện, các phi công đã sử dụng thiết bị giả lập mô phỏng để thực hành đánh chặn tên lửa đối thủ.
Tên lửa hành trình thường di chuyển ở độ cao rất thấp, đặc điểm khiến chúng khó bị phát hiện nếu chỉ sử dụng radar của máy bay. Tuy nhiên, các tên lửa hành trình của Nga như Kalibr, Kh-101, Kh-59, và Kh-555 đều được trang bị loại động cơ có thể để lại dấu vết nhiệt trong không khí. Vì vậy, tiêm kích Ukraine có thể dựa vào hệ thống khóa mục tiêu quang điện để tìm dấu vết nhiệt của tên lửa Nga.
Trong bối cảnh Nga đang tăng cường phóng UAV tự sát vào mục tiêu Ukraine, Kiev cũng điều tiêm kích đánh chặn những vũ khí này. Tuy nhiên, sử dụng tiêm kích để đánh chặn UAV tự sát là rất rủi ro và không hiệu quả về mặt kinh tế. Một UAV tự sát chỉ có giá 10-50.000 USD trong khi tên lửa đánh chặn có thể có mức giá 1 triệu USD. Thêm vào đó, UAV tự sát có nguy cơ lao vào tiêm kích để tấn công. Hồi giữa tháng trước, một tiêm kích MiG-29 của Ukraine được cho đã bị rơi vì một UAV tự sát của Nga đâm trúng.