Chiến thuật tấn công bọc lót giúp cặp tiêm kích Nga bắn rơi máy bay Ukraine
(Dân trí) - Cặp tiêm kích đa nhiệm Su-30SM và Su-35S hiệp đồng tác chiến tấn công mục tiêu mặt đất, làm suy giảm năng lực phòng không Ukraine, cũng như bắn rơi tiêm kích đối thủ.
Ngày 6/11, báo Nga Izvestia đưa tin, các phi công điều khiển cặp tiêm kích Su-30SM và Su-35S đã phát hiện và phá hủy một máy bay quân sự Ukraine.
Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố sau đó cho thấy, Su-35S được trang bị 2 tên lửa tầm ngắn RVV-MD, 2 tên lửa tầm trung RVV-SD, 2 tên lửa chống radar Kh-31P. Trong khi đó, chiếc Su-30SM mang theo 2 quả RVV-MD, 2 quả RVV-SD và 2 tên lửa không đối đất Kh-29.
Tuần trước, Nga cũng công bố một đoạn video và tuyên bố rằng cặp Su-35S và Su-30SM đã bắn rơi một tiêm kích Ukraine, sau đó được xác định là Su-24.
Trong cả 2 vụ việc, cặp tiêm kích Nga đều sử dụng chiến thuật bọc lót tác chiến khá nhịp nhàng, theo chuyên trang quân sự Eurasian Times.
Khi 2 tiêm kích hoạt động theo cặp, chiếc Su-30SM sẽ đóng vai trò là máy bay tấn công mặt đất, trong khi Su-35S trở thành tiêm kích chiếm ưu thế trên không, nhận nhiệm vụ bọc lót cho Su-30SM phía dưới.
Su-35S duy trì độ cao và sử dụng radar N135 Irbis-E để đảm bảo không phận trong khu vực hoạt động không có các mối đe dọa trên không từ đối thủ.
Trước đó, Nga tiết lộ rằng, Su-35 có khả năng phối hợp hoạt động tác chiến của các máy bay khác trên không, nghĩa là nó có thể thực hiện các chức năng của một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS).
Ở chế độ theo dõi bình thường, trong khi quét, radar Irbis-3 có thể quét 120 độ ở hai bên và phát hiện các mục tiêu kích cỡ 3m2 trong phạm vi 200km.
Khi Su-35S làm nhiệm vụ bảo vệ bọc lót trên không, Su-30SM sẽ hạ độ cao xuống để dễ quan sát mục tiêu và tấn công bằng tên lửa Kh-29 ASM.
Dòng tên lửa này được trang bị đầu đạn xuyên nổ mạnh và cảm biến mục tiêu. Chúng sở hữu động cơ tên lửa nhiên liệu rắn một chế độ. Hệ thống dẫn đường uy lực mang lại độ chính xác cao cho tên lửa. Động lực đẩy tên lửa khá mạnh giúp cho việc phá hủy và thâm nhập hiệu quả hơn.
Thiết bị tìm kiếm quang học của Kh-29 có thể được khóa vào mục tiêu trước khi phóng ra. Sau khi khóa mục tiêu, bộ tìm kiếm quang học sẽ lưu thông tin này vào tầm ngắm. Sau đó, máy bay có thể thay đổi tốc độ, hạ xuống hoặc bay lên 1000m và lệch 30 độ - điều này sẽ không ảnh hưởng đến độ chính xác của tên lửa khi được phóng ra.
Trong khi làm nhiệm vụ bọc lót cho đồng đội, nếu cảm biến trên Su-35S phát hiện ra tín hiệu radar, nó sẽ phóng tên lửa để phá hủy ngay lập tức mục tiêu này.
Nếu Su-35S phát hiện ra mối đe dọa trên không như tiêm kích đối thủ, tương tự 2 vụ bắn rơi nói trên, Su-35S sẽ xác định mục tiêu và bắn rơi bằng tên lửa không đối không.
Ngoài tên lửa không đối không tầm trung RVV-SD, Su-35S cũng có khả năng mang tên lửa tầm xa RVV-BD có tầm bắn khoảng 300km và độ chính xác rất cao.