1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao xe tăng phương Tây tổn thất nặng nề ở chiến trường Ukraine?

Minh Phượng

(Dân trí) - Những chiếc xe tăng phương Tây từng được kỳ vọng làm thay đổi cục diện chiến trường Ukraine, nhưng rồi nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng lại tổn thất nặng đến thế?

Vì sao xe tăng phương Tây tổn thất nặng nề ở chiến trường Ukraine? - 1

UAV Lancet của Nga đã gây tổn thất lớn cho tăng thiết giáp Ukraine (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Xe tăng Leopard 2A6 của Đức: Tối tân đến mấy cũng bị đốt cháy

Những cảnh quay mới từ tiền tuyến ở khu vực Kursk của Nga, nơi đã phải đối mặt với các cuộc tấn công của Kiev kể từ đầu tháng 8, cho thấy cảnh một xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 tối tân của Ukraine, bị phá hủy trong một cuộc tấn công bằng UAV.

Trong số xe tăng có nguồn gốc phương Tây, Leopard 2 thử lửa ở chiến trường Ukraine đầu tiên và cũng là loại xe tăng mà Kiev nhận được nhiều nhất. Nhưng theo nguồn tin Đức, tính đến đầu tháng 1, chỉ còn một số ít xe tăng Leopard 2A6 vẫn còn hoạt động được, số còn lại đã bị tổn thất.

Leopard 2A6 cũng là loại xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất do Đức sản xuất và chúng cũng chỉ được trang bị cho những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Ukraine (AFU), có tổ chức và biên chế theo "chuẩn NATO". Đó là Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 47 và bây giờ là Lữ đoàn bộ binh cơ giới 21.

Điều thú vị là Leopard 2A6 cũng là chiếc xe tăng phương Tây đầu tiên, tham chiến trong cuộc "tấn công tổng lực" của Ukraine, vào vị trí phòng ngự vững chắc của đối phương vào tháng 6/2023 tại Zaporizhia và cũng là chiếc xe tăng phương Tây đầu tiên bị quân đội Nga (RFAF) phá hủy.

Ngoài những tổn thất trong chiến đấu, một số xe tăng Leopard 2 đã bị RFAF thu giữ làm chiến lợi phẩm và không chỉ được trưng bày trong nước, mà còn được "nghiên cứu rộng rãi".

Cả phiên bản cao nhất là Leopard 2A6 và phiên bản phổ thông hơn là Leopard 2A4 đều đã bị Nga thu giữ. Một chiếc Leopard 2A4 đã được xác nhận là bị thu giữ vào tháng 12/2022, tiếp theo là một chiếc Leopard 2A6 vào tháng 4/2023.

Xe tăng Leopard 2A6 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất của phương Tây, được trang bị pháo nòng trơn 120mm do công ty Rheinmetall sản xuất. Nó có hỏa lực và độ chính xác đặc biệt, khi có thể bắn nhiều loại đạn, bao gồm đạn xuyên giáp, đạn nổ phá mảnh và thậm chí cả đạn dẫn đường.

Hệ thống điều khiển hỏa lực của Leopard 2A6 rất hiện đại, được coi là thành tựu của nền công nghiệp quốc phòng Đức, giúp pháo thủ có thể ngắm bắn chính xác ngay cả khi đang hành tiến và kính tầm nhiệt của xe, đảm bảo quan sát trong mọi điều kiện.

Leopard 2A6 được trang bị động cơ diesel MTU MB 873 với công suất khoảng 1.500 mã lực. Sức mạnh này mang lại cho nó khả năng cơ động và tốc độ ấn tượng. Trên đường nhựa, xe có thể đạt tới 72km/h, thậm chí trên đường địa hình, nó vẫn có thể di chuyển nhanh tới 50km/h.

Nhờ được trang bị giáp nhiều lớp hiện đại, bao gồm các vật liệu composite và được lắp đặt hệ thống phòng hộ chủ động, nên Leopard 2A6 được quảng cáo là xe tăng có khả năng "bảo vệ vượt trội" so với các loại khác.

Để đối phó với xe tăng Leopard 2A6, RFAF đã phát triển nhiều chiến thuật mới, trong đó sử dụng sáng tạo UAV trinh sát và chống tăng. Những UAV trinh sát cung cấp thông tin cập nhật mục tiêu theo thời gian thực về vị trí và chuyển động của xe tăng đối phương, hoạt động hiệu quả như "lính canh" trên chiến trường.

Với khả năng giám sát, những chiếc UAV trinh sát này chuyển tiếp dữ liệu đến chỉ huy, những người sau đó có thể xác định điểm yếu trong đội hình Leopard 2A6 và chỉ huy các cuộc tấn công chính xác. Điều thú vị là một số UAV thậm chí còn được trang bị đầu đạn chống tăng hoặc tên lửa, giúp chúng có khả năng tấn công trực tiếp vào các đơn vị thiết giáp.

Lực lượng Moscow không dừng lại ở đó, họ còn sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet, được thiết kế đặc biệt để xuyên qua lớp giáp hạng nặng như của Leopard 2A6. Tên lửa Kornet có tầm bắn lên tới 5,5km và sử dụng công nghệ dẫn đường bằng laser, để đảm bảo độ chính xác đáng kinh ngạc.

Khi UAV trinh sát khóa mục tiêu, nó sẽ truyền thông tin xuống hệ thống điều khiển hỏa lực của Kornet, để trắc thủ có thể nhanh chóng phóng tên lửa với độ chính xác cao. Việc kết hợp giữa trinh sát và tấn công trực tiếp này, giúp tăng tỷ lệ thành công của các cuộc "đi săn", khiến Leopard 2A6 trở nên dễ bị tiêu diệt trên chiến trường.

Ngoài ra, do trọng lượng quá nặng, tới 62,5 tấn, nó dễ bị sa lầy trên chiến trường miền Đông Ukraine, nơi những cơn mưa mùa thu và tuyết tan mùa xuân, biến mặt đất thành những bãi lầy khổng lồ.

Xe tăng thiết giáp Ukraine ồ ạt tấn công Kursk, bị Nga tiêu diệt (Video: RIA Novosti).

Xe tăng M1A1 Abrams: Chưa chứng minh được gì nhiều

Một hình ảnh xuất hiện vào ngày 14/9 đã xác nhận lực lượng Moscow đã thu giữ một xe tăng M1A1 Abrams khác của AFU trong chiến đấu. Chiếc xe này đã được "Nga hóa", khi đã tích hợp giáp phản ứng nổ Kontakt-1 của Liên Xô, cùng với các biện pháp bảo vệ bổ sung do Ukraine phát triển.

Chiếc M1A1 Abrams bị thu giữ có vẻ đã bị vô hiệu hóa. Việc tung hình ảnh này lên mạng diễn ra, sau khi AFU xác nhận mất 2 xe tăng M1A1 khác. Chiếc xe tăng Abrams đầu tiên bị mất gần làng Volchye trên hướng Pokrovsk, còn chiếc thứ hai ở gần làng Berdychi, tất cả đều ở phía tây Donetsk.

Khoảng một tuần trước sự kiện này, một đoạn phim xuất hiện cho thấy một xe tăng Abrams khác, bị RFAF thu giữ và kéo đi gần thành phố chiến lược quan trọng Avdiivka, cùng với một xe tăng Leopard 2A6.

Các thông tin gần đây cho thấy, quân đội Ukraine đã mất số xe tăng Abrams với tốc độ "đáng báo động". Xu hướng này diễn ra sau một thời gian mất mát đáng kể từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4, với những chiếc xe tăng M1A1 Abrams đầu tiên, bị lực lượng Moscow tiêu diệt vào ngày 23/2 và tổn thất ban đầu được xác nhận ba ngày sau đó. Vào tháng 4, những chiếc xe này đã được tạm thời rút khỏi mặt trận để nâng cấp mức độ bảo vệ cho chúng.

Trong số 31 xe tăng Abrams được Mỹ chuyển giao cho Ukraine, hơn 20 chiếc hiện được cho là đã bị phá hủy, vô hiệu hóa hoặc bị thu giữ. Hầu hết những tổn thất này, thường là do tên lửa dẫn đường hoặc UAV tự sát. Chỉ có một chiếc duy nhất được xác nhận là đã bị xe tăng T-72B3 của Nga tiêu diệt, trong một cuộc đấu tăng trực tiếp.

Vì sao xe tăng phương Tây tổn thất nặng nề ở chiến trường Ukraine? - 2

Xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất bị phá hủy ở Ukraine (Ảnh: Armyrecognition).

Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây, lính Ukraine đã bày tỏ sự "không hài lòng" của họ với chất lượng xe tăng Abrams, nêu ra các vấn đề kỹ thuật như dễ bị đọng nước của các thiết bị điện tử và dễ bị hỏa lực của RFAF bắn trúng.

Kích thước lớn của tăng Abrams, được cho là nguyên nhân khiến chúng trở thành mục tiêu dễ dàng, đặc biệt là khi so sánh với các xe tăng của Ukraine, do Liên Xô chế tạo như T-80 và T-64, có cấu hình nhỏ hơn, nên ít bị hỏa lực bắn trúng hơn.

Xe tăng M1A1 Abrams đã phải đối mặt với những thách thức bất ngờ trên chiến trường miền Đông Ukraine, làm hạn chế đáng kể hiệu quả. Một vấn đề lớn là chúng dễ bị thiệt hại trước các chiến thuật sáng tạo của Nga, đặc biệt là các cuộc tấn công bằng UAV.

Máy bay không người lái FPV Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng do độ chính xác và các cuộc tấn công liên tục, dẫn đến việc Ukraine mất nhiều xe tăng Abrams ngay sau khi xuất hiện trên chiến trường. Lính Ukraine cho biết, những chiếc xe tăng này, không có lớp giáp Chobham tiên tiến, nên rất dễ bị vô hiệu hóa.

Ngoài ra, xe tăng Abrams phụ thuộc rất nhiều vào các hệ thống điện tử phức tạp, không hoạt động tốt trong môi trường khí hậu của Ukraine. Số xe tăng này đã gặp phải vấn đề về ngưng tụ hơi ẩm bên trong xe, ảnh hưởng đến các hệ thống điện tử quan trọng như điều khiển hỏa lực, thông tin liên lạc, kính quang học…, dẫn đến trục trặc và cô lập chiến trường.

Hơn nữa, các yếu tố môi trường như mưa và sương mù đã can thiệp vào hệ thống điện tử của xe tăng, làm ảnh hưởng đến hệ thống dẫn đường của chúng và cung cấp thông tin không chính xác cho người sử dụng.

Ngoài ra, thiết kế của xe tăng Abrams là dành riêng cho chiến thuật NATO, dựa vào chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng với pháo binh và hỗ trợ từ trên không; các yếu tố mà Ukraine hiện đang thiếu. Do vậy, số xe tăng phương Tây nói chung và Abrams nói riêng, đã được rút khỏi một số mặt trận, do các mối đe dọa ngày càng tăng từ UAV tự sát của Nga gây ra.

Các đơn vị xe tăng Ukraine đã cố gắng giải quyết một số vấn đề này bằng cách bổ sung thêm lớp giáp tạm thời, nhưng các biện pháp này không giải quyết hoàn toàn được các điểm yếu của M1A1 Abrams. Các chuyên gia cho rằng, xe tăng Abrams được chế tạo cho quân đội Mỹ, không lý tưởng với chiến trường Ukraine.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine