1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Ukraine không mặn mà với cường kích "xe tăng bay" Mỹ tính viện trợ?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi Mỹ để ngỏ khả năng có thể viện trợ cường kích "xe tăng bay" A-10 cho Ukraine, một cố vấn quốc phòng của Kiev đã nêu ra lý do mà họ không mấy hứng thú với đề xuất này.

Vì sao Ukraine không mặn mà với cường kích xe tăng bay Mỹ tính viện trợ? - 1

Một cường kích A-10 (Ảnh: Reuters).

Tuần trước, trong một sự kiện ngày 20/7, khi được hỏi về khả năng Washington chuyển cường kích "xe tăng bay" A-10 cho Ukraine đối phó Nga, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall đã không bác bỏ việc này.

Trước đó, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Charles Q. Brown nói, Không quân Ukraine sẽ bắt đầu "rời xa" các máy bay chiến đấu thời Liên Xô và dàn phi cơ kế tiếp sẽ không phải sản phẩm do Nga sản xuất.  

Đây được xem là một sự thay đổi của Mỹ khi họ để ngỏ có thể viện trợ A-10 cho Ukraine. Trước đó, khi được hỏi về việc chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine, Mỹ từng thừa nhận là chưa có kế hoạch cụ thể, thậm chí chưa từng bàn bạc về khả năng này dù trong 5 tháng qua, Kiev đã nhiều lần thúc giục phương Tây chuyển cho họ các tiêm kích.

Tuy nhiên, trước tín hiệu mà Mỹ phát đi, Yuriy Sak, cố vấn cho bộ trưởng quốc phòng Ukraine, nhận định với tạp chí Air Force rằng, cường kích tấn công mặt đất A-10 quá chậm chạp và dễ bị tổn thương trước phòng không đối thủ.

Ông Sak giải thích, dù A-10 là một cường kích hỗ trợ cận chiến rất bền và nguy hiểm, nhưng Ukraine cần những tiêm kích nhanh và linh hoạt như F-16, một máy bay chiến đấu đa năng. Ông cũng nhấn mạnh, Ukraine cũng có các phi cơ Su-25 từ thời Liên Xô có các tính năng tương tự như A-10 nên họ cần loại tiêm kích khác.

"Xe tăng bay" A-10 là mẫu cường kích kì cựu và được nhiều phi công không quân Mỹ yêu thích trong các nhiệm vụ tấn công hỗ trợ bộ binh dưới mặt đất, làm nhiệm vụ cận chiến. Nó có thể phá hủy xe tăng và các thiết bị bọc thép nhờ năng lực vũ khí mạnh mẽ.

A-10 được trang bị thiết giáp tiên tiến, khả năng tấn công tầm thấp và khả năng oanh tạc bằng bom. A-10 được trang bị vũ khí dẫn đường chính xác như tên lửa chống tăng Maverick. A-10 cũng được lắp pháo GAU-8 có thể bắn 3.900 phát/phút. Cường kích này đạt tốc độ tối đa là 706 km/h.

Trước đó, các phi công điều khiển A-10 nói với The Aviationist rằng, cường kích này được chế tạo để tham gia một cuộc chiến có tính chất rất khác so với chiến sự hiện tại ở Ukraine.

Ông Sak cho biết, Ukraine sẽ tiếp tục vận động hành lang Mỹ và các nước khác để viện trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời cũng cung cấp các chương trình đào tạo sử dụng khí tài theo chuẩn phương Tây cho quân nhân của Kiev.

"Vì sao các nước không bắt đầu huấn luyện trước cho các phi công của chúng tôi? Đây là vấn đề rất quan trọng để chúng ta tránh mất thời gian. Để khi các quyết định chính trị được đưa ra, chúng tôi đã có phi công sẵn sàng tham chiến", ông Sak nói.

Mỹ hiện vẫn chưa có kế hoạch chính thức về việc chuyển tiêm kích cho Ukraine, nhưng nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Washington. Chính quyền Mỹ trong vài tháng qua vẫn thể hiện chính sách thận trọng chiến lược vì lo ngại hành động như vậy có thể khiến căng thẳng giữa Nga và phương Tây lan rộng và leo thang không kiểm soát.

Diễn biến mới dường như cho thấy, Mỹ có thể dự đoán chiến sự Nga - Ukraine kéo dài và Kiev sẽ cần thêm hỗ trợ để đối phó với Moscow - bên đang áp đảo về tiềm lực quân sự.

Theo Business Insider
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine