Vì sao Ukraine gặp khó dù phương Tây cấp loạt vũ khí "vua chiến trường"?
(Dân trí) - Ukraine được phương Tây viện trợ hàng loạt loại pháo và hệ thống hỏa lực nhưng điều này đang gây ra cơn "ác mộng" cho Kiev về mặt hậu cần.
Theo Business Insider, khi chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 18, các diễn biến trên tiền tuyến củng cố một nhận định của các chuyên gia quân sự trước đó rằng, pháo binh là "vua chiến trường".
Các hệ thống pháo và hỏa lực có sức công phá lớn, được xem là vũ khí gây ra phần lớn thương vong cho cả 2 bên trên tiền tuyến. Ngay từ đầu chiến sự, Ukraine nhiều lần kêu gọi đối tác viện trợ các hệ thống pháo uy lực.
Kết quả của nỗ lực này là Ukraine đã có một lực lượng pháo binh rất đa dạng gồm pháo phương Tây kết hợp với các tổ hợp có từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, điều này đang tạo ra cơn "ác mộng" về hậu cần cho Kiev, theo các chuyên gia và giới quan sát.
"Hầu hết các nước có từ 2-3 loại lựu pháo khác nhau trong lực lượng bộ binh. Ukraine có 14", Patrick Hinton, đại úy quân đội Anh, nhận định trong một báo cáo của viện RUSI có trụ sở ở London.
Chỉ riêng việc kiểm đếm số lượng lựu pháo do Ukraine triển khai đã là một thách thức. Một báo cáo của Trung CSIS (Mỹ) hồi tháng 1 liệt kê 13 mẫu lựu pháo 155mm do nước ngoài sản xuất được 15 quốc gia chuyển cho Kiev, với tổng số ít nhất 352 khẩu.
Con số đó gần như chắc chắn đã tăng lên theo thời gian khi phương Tây gia tăng nỗ lực viện trợ cho Ukraine.
Kho pháo 155mm của Ukraine bao gồm M777 của Mỹ, AS-90 của Anh, TRF1 của Pháp và FH-70 của Anh - Đức - Italy. Đối với pháo tự hành 155mm bọc thép, Ukraine đã nhận được M109 do Mỹ sản xuất, PzH 2000 của Đức, Krab của Ba Lan và Zuzana 2 của Slovakia.
Ngoài ra, Pháp viện trợ cho Kiev pháo Caesar 155mm và Litva đã viện trợ pháo kéo M101 cũ do Mỹ sản xuất được thiết kế từ những năm 1941.
Và đó chỉ là vũ khí do phương Tây sản xuất. Quân đội Ukraine có một dàn pháo từ thời Liên Xô, bao gồm pháo tự hành 2S7 203mm; pháo tự hành 2S3, 2S5, 2S19 và pháo tự hành M-77 152 mm do Séc sản xuất; cũng như nhiều loại pháo 152mm và 122mm.
"Ác mộng" hậu cần
Chỉ riêng việc đảm bảo nguồn đạn dược phù hợp cho từng loại pháo đã là một thách thức lớn cho Ukraine. Pháo từ thời Liên Xô thường bắn đạn 152mm và nguồn cung rất hiếm.
Trong khi đó, nguồn đạn 155mm theo chuẩn NATO cũng không dồi dào do các nước phương Tây đang gặp khó trong việc gia tăng năng lực sản xuất quốc phòng.
Sự khác biệt về cỡ nòng có thể dẫn tới nguy cơ gửi nhầm loại đạn cho các xạ thủ Ukraine. Mặt khác, trong một số trường hợp, cỡ nòng phù hợp cũng không đảm bảo hiệu quả của cuộc tấn công vì mỗi loại đạn cho một hệ thống lại có tiêu chuẩn chế tạo khác nhau.
Ngay cả những khẩu lựu pháo tương tự nhau cũng có thể có những khác biệt nhỏ nhưng đáng kể về đạn dược có thể ảnh hưởng đến độ chính xác khi khai hỏa.
Ngoài ra, theo RUSI, các khóa huấn luyện cấp tốc của phương Tây có thể giúp binh sĩ Ukraine học cách sử dụng hiệu quả vũ khí theo chuẩn NATO.
Tuy nhiên, vấn đề vận hành, bảo trì, bảo dưỡng của mỗi loại vũ khí lại khác nhau. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì độ bền và sự đáng tin cậy của pháo về lâu dài khi pháo phương Tây hầu như đều là các hệ thống đắt tiền và khó thay thế.
Ngay cả khi Ukraine có đủ đạn dược cho 14 loại pháo, việc phân bổ chính xác đạn cho 1.500 khẩu pháo nhiều chủng loại cũng trở nên rất khó khăn và tốn thời gian.
Một vấn đề khác gây ra "ác mộng" cho Ukraine là thiếu linh kiện và bộ phận thay thế cho 14 loại pháo. Mỗi quốc gia khác nhau có một tiêu chuẩn sản xuất vũ khí khác nhau, linh kiện khác nhau.
Binh sĩ Ukraine có thể học cách dùng pháo, nhưng nếu pháo hỏng, họ có thể sửa chữa để tiếp tục đưa ra tiền tuyến được hay không lại là một câu chuyện khác.
Để đạt được đà tiến và xuyên qua phòng tuyến kiên cố của Nga, Ukraine cần sức mạnh hỏa lực gia tăng. Tuy nhiên, các thách thức về đạn dược và linh kiện cho pháo khiến Kiev bất lợi trước Nga, quốc gia có thể tự sản xuất được vũ khí và đang tăng cường sản xuất trong hơn một năm qua.