1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Trung Quốc kêu gọi không gây sức ép quá mạnh với Taliban?

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo việc gây sức ép quá mạnh với Taliban có thể sẽ phản tác dụng, trong bối cảnh Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư vào Afghanistan.

Vì sao Trung Quốc kêu gọi không gây sức ép quá mạnh với Taliban? - 1

Một tay súng Taliban ở thủ đô Kabul (Ảnh: AP).

Các quan chức Trung Quốc nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, các công ty nước này sẵn sàng "cung cấp sự đầu tư thực chất và hỗ trợ kỹ thuật" sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt nghiêm trọng của phương Tây nhằm vào Afghanistan có thể gây nguy hiểm cho kế hoạch của họ.

Các nước phương Tây bắt đầu áp lệnh trừng phạt lên Taliban, bao gồm quyết định đóng băng 9,5 tỷ tài sản của chính quyền Afghanistan tại các tổ chức ở Mỹ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 20/8 đã cảnh báo người đồng cấp Anh Dominic Raab rằng việc gây sức ép quá mạnh với Taliban có thể sẽ phản tác dụng.

Bắc Kinh đã đặt hy vọng vào việc có thể tác động lên Taliban để thành lập một chính phủ ôn hòa và ổn định tại Afghanistan với cam kết hội nhập kinh tế khu vực. Báo chí phương Tây đã có những bài viết về kho khoáng sản trị giá 1.000 tỷ USD chưa được khai thác của Afghanistan và việc Bắc Kinh quan tâm tới những mỏ đất hiếm giá trị tại quốc gia Trung Á này. Ngoài ra, Trung Quốc được cho là cũng đang tìm cách đưa Afghanistan vào quỹ đạo "Vành đai Con đường" của nước này.

Afghanistan không phải là một điểm đến mới đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng đối với Bắc Kinh, việc Mỹ rút quân, cùng với chiến thắng chớp nhoáng của Taliban, có lẽ đã tạo ra những điều kiện tốt nhất cho hòa bình ở nước này trong nhiều thập niên.

"Chúng tôi đã được hưởng lợi rất nhiều từ các kế hoạch kinh doanh của mình ở Afghanistan trong 5 năm qua và chúng tôi tin rằng hoạt động này sẽ hiệu quả hơn sau khi tình hình ổn định", Cassie, một công nhân Trung Quốc tại khu China Town ở thủ đô Kabul của Afghanistan, nơi đặt một số nhà máy của Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 24/8.

Yu Minghui, Giám đốc Ủy ban Xúc tiến Thương mại và Kinh tế Ả Rập Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng các doanh nhân Trung Quốc đã tạo dựng được rất nhiều thiện chí với người Afghanistan, bao gồm cả Taliban, đồng thời lưu ý rằng Taliban đã cam kết bảo vệ các nhà đầu tư vì "bất kỳ ai ở lại" Afghanistan sau khi NATO rút quân đều là "đang giúp đỡ người Afghanistan".

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một số doanh nhân Trung Quốc cho biết họ tương đối "miễn nhiễm" với các lệnh trừng phạt của phương Tây, tuy nhiên nếu quan hệ giữa Afghanistan với Mỹ và Anh tiếp tục trở nên tồi tệ, nó có thể khiến việc đầu tư thêm rủi ro và khiến một số doanh nghiệp e ngại.

Qian Feng, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa, cho rằng có "một nghìn công việc đang chờ được thực hiện" ở Afghanistan mà Trung Quốc có thể đầu tư mạnh mẽ, bao gồm việc tái thiết và mở rộng hầu hết cơ sở hạ tầng, từ thông tin liên lạc đến giao thông, khai thác khoáng sản và nông nghiệp.

Người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen gần đây đã nói với Kênh Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc rằng đầu tư của Bắc Kinh tại Afghanistan sẽ được chào đón trong tương lai.

"Chúng tôi cần xây dựng lại đất nước của mình và tạo ra việc làm cho người dân", người phát ngôn Taliban cho biết.

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng nói với Thời báo Hoàn cầu rằng, các hoạt động kinh doanh của họ "sẽ phù hợp với chiến lược quốc gia của Trung Quốc", trong đó quan tâm đến sự ổn định trước tiên.

Nhiều người cho rằng Bắc Kinh sẽ do dự đổ tiền vào Afghanistan, nơi có đường biên giới chung với Trung Quốc, ít nhất cho đến khi Taliban đưa ra một số kết quả cụ thể về những lời hứa của mình, bao gồm cam kết chấm dứt hỗ trợ cho nhóm khủng bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Bắc Kinh cáo buộc ETIM gây ra các cuộc tấn công bạo lực ở khu vực Tân Cương của nước này, tuy nhiên Taliban hứa sẽ không cho phép lực lượng nào sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để âm mưu chống lại Trung Quốc.

Khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 15/8, Bắc Kinh đã hối thúc lực lượng này thực hiện các chính sách tôn giáo ôn hòa và duy trì quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác.

Giới quan sát cho rằng mặc dù Bắc Kinh chưa công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan, nhưng Trung Quốc coi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Taliban là yếu tố quan trọng cho các nỗ lực chống khủng bố của họ trong khu vực.