1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Trung Quốc dự hội nghị hòa bình Ukraine tại Ả Rập Xê Út?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Hội nghị về hòa bình Ukraine vào cuối tuần qua tại Jeddah, Ả Rập Xê Út được đánh giá tích cực, nhưng khó có thể giúp chấm dứt xung đột khi vắng mặt Nga, theo một số nhà phân tích Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc dự hội nghị hòa bình Ukraine tại Ả Rập Xê Út? - 1

Đại diện các nước tham dự hội nghị về hòa bình Ukraine tại Jeddah, Ả Rập Xê Út chụp ảnh chung (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc nằm trong số hơn 40 quốc gia có đại diện tham gia hội nghị kéo dài 2 ngày tại thành phố Jeddah của Ả Rập Xê Út, bên cạnh các nước khác như Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Nước Nga không được mời tham dự.

Hội nghị Jeddah không ra tuyên bố chung, nhưng các nước nhất trí rằng tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nên là điều cốt lõi của các cuộc hòa đàm Nga - Ukraine trong tương lai, theo thông tin từ phía Ả Rập Xê Út.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử đại diện tham dự hội nghị về hòa bình Ukraine. Tới sát ngày hội nghị, Bắc Kinh xác nhận đặc phái viên về các vấn đề Âu - Á, ông Li Hui, sẽ có mặt. Quyết định này thu hút chú ý vì nước này không tham gia hội nghị hòa bình hồi tháng 6 tại Copenhagen, Đan Mạch.

Bắc Kinh thận trọng

Đại diện phía Trung Quốc được cho là đã trình bày lập trường 12 điểm của Bắc Kinh đối với giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Giải pháp này từng được Bắc Kinh công bố hồi tháng 2.

"Chúng ta có nhiều khác biệt và đã nghe thấy nhiều lập trường khác nhau, nhưng điều quan trọng là chúng ta có các nguyên tắc chung", Reuters dẫn lời ông Li.

Bên lề hội nghị, ông Li gặp ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng kiêm trưởng phái đoàn, và bà Victoria Nuland, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề chính trị.

Zhang Xin, Phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc ở Thượng Hải, nhận định rằng hội nghị Jeddah là một nền tảng "khá tốt" để Bắc Kinh trình bày lập trường về vấn đề Ukraine và tìm kiếm sự đồng thuận với nhiều quốc gia.

"Một thành tựu đáng nói là hội nghị lần này có nhiều quốc gia tham dự hơn lần tổ chức ở Đan Mạch, đặc biệt là các nước đang phát triển", ông Zhang nói. "Dường như đã có một số đồng thuận về nhân sự và chương trình nghị sự của lần hội nghị tới".

Vì sao Trung Quốc dự hội nghị hòa bình Ukraine tại Ả Rập Xê Út? - 2

Ngay sau khi hội nghị tại Jeddah kết thúc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga).

Trong khi đó, ông Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, chỉ ra rằng Bắc Kinh có thái độ thận trọng trong các thông điệp từ hội nghị.

"Chúng ta không thấy các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin chi tiết về hoạt động hay phát biểu của đặc phái viên tại hội nghị. Trung Quốc có thái độ thận trọng và đây cũng là điều nên làm, vì cuộc xung đột vẫn chưa có hồi kết", ông Shi nhận định.

Xinhua chỉ đưa tin ngắn gọn về hội nghị vào hôm 7/8 với nội dung "tất cả bên tham gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua các cuộc đàm phán quốc tế".

Ông Shi lưu ý rằng thành tựu lớn nhất của hội nghị là việc Trung Quốc tán thành Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc công nhận chủ quyền của Ukraine.

Hôm 4/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine".

Khác biệt về bối cảnh

Các quan chức phương Tây đánh giá cao sự tham gia của Bắc Kinh. Guardian dẫn một nguồn tin quan chức châu Âu cho biết Trung Quốc đã "chủ động tham gia và có thái độ tích cực trước ý tưởng về hội nghị thứ 3 ở cấp này". Trong khi đó, Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Washington nói rằng "Có mặt Trung Quốc ở đây thật tốt".

Một số ý kiến cho rằng sự có mặt của đặc phái viên Li Hui là tín hiệu cho thấy sự "biến chuyển tiềm năng trong cách tiếp cận của Bắc Kinh" đối với khủng hoảng Ukraine. Nhưng các chuyên gia Trung Quốc dường như không đồng tình với nhận định này.

Vì sao Trung Quốc dự hội nghị hòa bình Ukraine tại Ả Rập Xê Út? - 3

Đại diện cho Trung Quốc, Mỹ và Ả Rập Xê Út có mặt tại hội nghị hôm 6/8 (Ảnh: Saudi Press Agency).

Cui Heng, một giảng viên tại cơ sở đào tạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) về trao đổi và hợp tác tư pháp quốc tế, cho rằng việc Bắc Kinh lựa chọn tham dự cuộc họp ở Jeddah chứ không phải ở Copenhagen, thể hiện lập trường nhất quán của Trung Quốc.

"Cuộc họp ở Copenhagen vào tháng 6 do Mỹ chủ trì và từ trước gặp mặt họ đã nói muốn buộc Nga phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, lần này ở Ả Rập Xê Út, các cuộc đàm phán đã tiến triển theo chiều hướng trung lập hơn", ông Cui nói với Global Times.

Hơn nữa, việc Trung Quốc tham dự hội nghị Jeddah một phần do quan hệ thân thiết với chủ nhà Ả Rập Xê Út.

Ông Zhang Hong, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhấn mạnh yếu tố thời điểm diễn ra hội nghị ở Copenhagen hồi tháng 6, khi quan hệ Trung - Mỹ còn nhiều căng thẳng và các đề xuất hòa bình của Ukraine còn thiếu tính khả thi.

Lần này, Ukraine đã thể hiện sự khác biệt trong phát biểu, từ đó thể hiện cửa sổ đàm phán được gợi mở, tạo ra bầu không khí tích cực cho việc trao đổi, ông Zhang nói với Global Times.

Wall Street Journal dẫn lời một quan chức châu Âu cấp cao nói rằng Ukraine đã không cố thúc các bên chấp nhận kế hoạch hòa bình của mình và các nước khác cũng không khăng khăng Kiev từ bỏ kế hoạch đó. Ukraine cũng không nhấn mạnh yêu cầu đòi Nga rút quân và các nước đang phát triển cũng không phản đối, theo 2 nhà ngoại giao.

Vì sao Trung Quốc dự hội nghị hòa bình Ukraine tại Ả Rập Xê Út? - 4

Tổng thống Volodymyr Zelensky thường thúc giục đại sứ Ukraine tại nước ngoài tăng cường nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ cho Kiev (Ảnh: Zuma Press).

Không có Nga thì khó có kết quả

Việc Trung Quốc tham gia hội nghị về hòa bình Ukraine lần này có thể được coi là dấu hiệu tích cực, nhưng Phó giáo sư Zhang Xin cảnh báo rằng khó có thể đạt được bất cứ thỏa thuận nào về mặt nguyên tắc chừng nào Moscow không có mặt tại bàn đàm phán.

Giáo sư Shi Yinhong cũng đồng ý, cho rằng sự vắng mặt của Moscow có nghĩa là hội nghị ở Jeddah không phải là cột mốc quan trọng trong tiến trình hòa bình.

"Không có hy vọng đáng kể nào để đạt được thỏa thuận hòa bình thực sự cho cả 2 bên", ông Shi nói. Ông bổ sung rằng Nga chưa sẵn sàng thay đổi chiến lược đối với Ukraine và thậm chí đã tạm dừng các thỏa thuận cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc.

Moscow đã gửi đi những tín hiệu không rõ ràng về hội nghị ở Jeddah. Điện Kremlin nói sẽ theo dõi sát sao, trong khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng cuộc gặp gỡ phản ánh "nỗ lực vô ích và chóng tàn của phương Tây" để kêu gọi ủng hộ cho Ukraine.

Sau khi hội nghị tại Jeddah kết thúc, ngày 7/8, ngoại trưởng Nga và Trung Quốc đã có cuộc điện đàm để trao đổi về các vấn đề quốc tế, trong đó có khủng hoảng Ukraine.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tái khẳng định quan điểm của Moscow về vấn đề Ukraine, nhấn mạnh Kiev cần "trở lại trạng thái trung lập, đảm bảo phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa" để có thể cùng tìm ra giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng cho cuộc xung đột.

Bên cạnh đó, bà Zakharova cho biết Moscow hy vọng các nước trong nhóm BRICS và các đối tác khác của Nga sẽ chia sẻ đánh giá về buổi đối thoại hòa bình tại Jeddah.

Theo SCMP, Global Times, Wall Street Journal
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine