1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Ukraine mất ít máy bay chiến đấu hơn trong năm thứ 2 chiến sự?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia giải thích lý do số lượng máy bay chiến đấu Ukraine mất trong năm thứ 2 chiến sự với Nga đã giảm còn bằng 1/8 so với năm đầu tiên.

Vì sao Ukraine mất ít máy bay chiến đấu hơn trong năm thứ 2 chiến sự? - 1

Một tiêm kích MiG-29 của Không quân Ukraine (Ảnh: Reuters).

Theo Forbes, khi chiến sự với Nga bùng phát vào tháng 2 năm ngoái, Không quân Ukraine không thể so sánh với cường quốc quân sự như Moscow. Nhiều ý kiến cho rằng Không quân Ukraine không thể trụ vững trước Nga trong vài tháng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự David Axe, gần 18 tháng sau khi chiến sự bùng phát, lực lượng này không chỉ tồn tại mà đã thay đổi chiến thuật để đối phó với sự áp đảo của Nga.

Theo ông Axe, Không quân Ukraine đã nâng cao khả năng sống sót trong chiến sự nhờ được phương Tây viện trợ rocket và tên lửa tầm xa hơn, giúp các máy bay này tránh được khu vực nơi Nga bố trì dày đặc hệ thống phòng không.

Theo thống kê của Forbes, khi năm 2023 đã trải qua được hơn 7 tháng, số lượng máy bay quân sự Ukraine bị bắn rơi chỉ bằng 1/8 so với thiệt hại về phi cơ vào năm 2022.

Vào ngày 25/2/2022, Ukraine bước vào cuộc chiến với khoảng 125 máy bay quân sự từ thời Liên Xô, gồm 50 chiếc MiG-29, 30 chiếc Su-25, và hàng chục chiếc Su-27 và Su-24.

Trong giai đoạn đầu tiên của chiến sự, Nga thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công vào mục tiêu quân sự của Ukraine nhằm vô hiệu Không quân nước này nhanh chóng. Tuy nhiên, theo Forbes, Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ về mặt thông tin tình báo của NATO trước khi một số vụ tấn công của Nga diễn ra.

Nhờ vậy, Ukraine đã có thể di tản một số phi cơ tới các sân bay nhỏ, đường băng dã chiến để tránh các vụ tấn công ồ ạt của Nga vào căn cứ Không quân chính của Kiev. Khi tham chiến, phi cơ Ukraine thường bay từ tầm rất thấp tới thấp để tránh bị phòng không Nga bắn rơi.

Sau một năm rưỡi chiến sự, Forbes thống kê Ukraine mất khoảng 69 máy bay chiến đấu, chủ yếu do bị trúng tên lửa phòng không của Nga. Tuy nhiên, Ukraine cũng đã cố gắng duy trì sức mạnh không quân trên tiền tuyến khi được các nước NATO viện trợ thêm máy bay từ thời Liên Xô như Su-25 và MiG-29.

Quan trọng không kém, các máy bay Ukraine đã được trang bị loại đạn mới do phương Tây sản xuất với tầm bắn lớn hơn đáng kể các loại đạn theo chuẩn Liên Xô.

Ví dụ, cường kích Su-25 được trang bị tên lửa Zuni do Mỹ sản xuất có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất cách xa khoảng 8km, vượt tầm các hệ thống phòng không vác vai và tên lửa chống tăng của Moscow.

Trong khi đó, những chiếc MiG-29 và Su-27 của Ukraine đã được trang bị tên lửa chống radar tốc độ cao có thể phá hủy những tổ hợp "mắt thần" của Nga ở khoảng cách 128km.

Đáng chú ý nhất là máy bay Su-24 đã có thể mang tên lửa hành trình không đối không tầm xa Storm Shadow của Anh và SCALP của Pháp. Tầm tấn công của các tên lửa này đều là 250km.

Trong thời gian qua, Su-24 Ukraine đã bắn một số tên lửa tầm xa phá hủy huyết mạch hậu cần của Nga như các cây cầu nối những khu vực quan trọng do Nga kiểm soát, nhà kho vũ khí…

Ngoại trừ cường kích Su-25, các máy bay chiến đấu khác của Ukraine đã được trang bị vũ khí giúp các phi cơ có thể nằm ngoài tầm đánh chặn của phòng không Nga. Điều này giúp Ukraine mất ít máy bay hơn so với trước đó.

Thống kê của Forbes nói rằng Ukraine năm ngoái mất 62 máy bay chiến đấu, còn năm nay là 7 chiếc. Chưa thể xác minh được tính chính xác hoàn toàn của những con số này giữa lúc chiến sự vẫn diễn ra khốc liệt, nhưng nó cho thấy khả năng sống sót của Không quân Ukraine đã gia tăng đáng kể trước đối thủ mạnh hơn hẳn như Nga.

Vì sao Ukraine mất ít máy bay chiến đấu hơn trong năm thứ 2 chiến sự? - 2

Ukraine nhiều lần kêu gọi phương Tây viện trợ F-16 (Ảnh: Reuters).

Đây cũng chính là lý do Ukraine nhiều lần mong muốn nhận được tiêm kích phương Tây, ví dụ như F-16. Anh và Hà Lan đã lập liên minh quốc tế để huấn luyện phi công Ukraine điều khiển F-16. Hà Lan cũng phát đi tín hiệu có thể viện trợ Ukraine dòng tiêm kích này.

F-16 không phải là tiêm kích tối tân nhất của phương Tây, nhưng nó có thể tương thích với hàng loạt vũ khí hiện đại theo chuẩn NATO. F-16 cũng có thể đảm bảo cho Ukraine kích hoạt mọi tính năng trên các tên lửa do phương Tây viện trợ.

F-16 không phải là vũ khí có thể giúp Ukraine áp đảo Nga, nhưng chắc chắn sẽ giúp Không quân Ukraine có thêm sức mạnh để đối phó với Moscow, Forbes nhận định.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine