1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao phương Tây chưa thể khiến Nga ngừng chiến sự tại Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phương Tây chưa tìm được tiếng nói chung cho một biện pháp tổng lực nhằm đối phó với việc Nga, dẫn tới việc không thể gây áp lực đủ lớn lên Moscow trong gần nửa năm qua.

Vì sao phương Tây chưa thể khiến Nga ngừng chiến sự tại Ukraine? - 1

Chiến sự Nga - Ukraine đã kéo dài tới tháng thứ 6 và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ sớm khép lại (Ảnh minh họa: Reuters).

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Kossuth hồi cuối tháng 7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định: "Chiến lược quân sự của phương Tây (trong chiến sự Nga - Ukraine) không hiệu quả, nó đã thất bại".

Người đứng đầu quốc gia thành viên NATO sau đó nhận định rằng, hòa bình ở Ukraine chỉ có thể đạt được thông qua việc Mỹ và Nga đối thoại với nhau.

Khi chiến sự kéo dài tới tháng thứ 6, Nga vẫn chưa từ bỏ quyết tâm trong việc đạt được các mục tiêu mà họ đề ra ban đầu. Theo giới chuyên gia, việc Nga vẫn chống chịu được trước các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây dường như cho thấy có vấn đề đang tồn tại trong chiến lược của liên minh này.

Theo giới quan sát, phương Tây dường như thiếu đi mục tiêu thống nhất cho cuộc chiến. Điều chính xác phương Tây muốn là làm lực lượng Nga trong cuộc chiến suy yếu để Moscow phải chấp nhận đàm phán? Hay phương Tây muốn chiến dịch quân sự của Nga không thành công để quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin bị ảnh hưởng? Mục tiêu đặt ra có thể định hình loại vũ khí được gửi tới cho Ukraine, tốc độ viện trợ để chúng nhanh chóng ra chiến trường. Thiếu mục tiêu thống nhất, các bên sẽ không thể đưa ra một phản ứng đồng loạt, đủ mạnh để tác động tới Nga. 

Phương Tây lúc này dường như vẫn chưa "tất tay" viện trợ vũ khí cho Ukraine. Một số quốc gia tuyên bố đã hết tiềm lực để chuyển khí tài cho Ukraine vì họ cần vũ khí để bảo vệ an ninh cho chính họ. Hungary từ chối chuyển vũ khí cho Ukraine vì thừa nhận phụ thuộc vào năng lượng Nga nên buộc phải giữ quan điểm trung lập dù là thành viên NATO.

Mỹ - quốc gia viện trợ tích cực nhất cho Ukraine - vẫn đang rất thận trọng trước "lằn ranh đỏ" của Nga khi Moscow nhiều lần cảnh báo, nếu vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga, đó sẽ được xem là hành vi khiêu khích. Chính vì vậy, Mỹ vẫn đang chuyển khí tài hạng nặng tới cho Ukraine với tốc độ tương đối nhỏ giọt, chưa chuyển những hệ thống có khả năng tấn công tầm xa, hay các tiêm kích - những vũ khí mà Kiev đã kêu gọi suốt nửa năm qua. Việc Washington cẩn trọng trước Nga - một cường quốc vũ khí hạt nhân - là điều dễ hiểu.

Ngoài vũ khí hạt nhân, Nga còn có "vũ khí" có khả năng răn đe khác: Năng lượng. Nội bộ phương Tây trong thời gian qua bất đồng quan điểm chính là vì vấn đề năng lượng Nga. Đức - thành viên chủ chốt trong cả NATO và EU - phụ thuộc vào nhiên liệu Nga. Nếu kinh tế Đức bị ảnh hưởng, nó sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền, khiến nhiều nền kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng theo. Thực tế cho thấy, việc Nga giảm khí đốt tới châu Âu đang gây ảnh hưởng lớn như thế nào khi nhiều nền kinh tế đã chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng, dẫn tới lạm phát tăng mạnh ở nhiều nơi.

Những tính toán về lợi ích quốc gia đã khiến nhiều nước không thể mạo hiểm "tất tay" với Nga. Điều đó dẫn tới việc phương Tây không thể có một phản ứng đồng bộ, mạnh mẽ để gia tăng áp lực buộc Nga phải chấm dứt chiến sự. Mặt khác, Nga không chỉ giao thương với riêng phương Tây. Họ có các mối quan hệ với các nước châu Á, châu Phi như là nhà xuất khẩu năng lượng, vũ khí, lương thực. Trong một thế giới toàn cầu hóa, việc cô lập để Nga suy yếu không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhất là khi Moscow lại là một quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn.

Theo 19fortyfive, Business Insider
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm