Vì sao Nga một mực khẳng định tên lửa Triều Tiên là tầm trung?
(Dân trí) - Trong khi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cho rằng tên lửa Triều Tiên phóng thử hôm 4/7 là tên lửa liên lục địa (ICBM), Nga vẫn một mực khẳng định đó chỉ là tên lửa tầm trung và thậm chí đưa ra bằng chứng cho lập luận này.
Triều Tiên những ngày gần đây liên tiếp tổ chức các sự kiện ăn mừng phóng thử thành công tên lửa mà Bình Nhưỡng tuyên bố là tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên. Theo tuyên bố của Bình Nhưỡng, đây là tên lửa Hwasong-14, tên lửa này đã bay xa 933km và bay cao hơn 2.800km.
Giới chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho rằng, đây là một ICBM - một bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Một nguồn thạo tin chính phủ Mỹ cho biết với tạp chí The Diplomat rằng, phía Mỹ hiện đánh giá tên lửa của Triều Tiên có tầm bắn thực tế khoảng 7.500km đến 9.500km. Nói cách khác, tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên có thể bắn tới các thành phố lớn của Mỹ ở bờ tây như Seattle, San Francisco và Los Angeles.
Các chuyên gia cho rằng, do đây là một tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, Triều Tiên có thể đã cố ý tắt các động cơ sớm hơn cần thiết để tránh nó vượt sang Nhật Bản hoặc rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, Nga đến nay vẫn bác bỏ tuyên bố cho rằng tên lửa này của Triều Tiên là ICBM. Bộ Quốc phòng Nga thậm chí đã gửi các bằng chứng cụ thể tới Liên Hợp Quốc để chứng minh rằng đó chỉ là tên lửa tầm trung.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trạm radar Voronezh được triển khai tại vùng Irkutsk đã theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Phía Nga kết luận, tên lửa này đã được phóng trong khoảng thời gian 14 phút, bay xa khoảng 510 km với cao 535 km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.
Vậy vì sao có sự đánh giá khác biệt này?
Hai giả thuyết
Hwasong-14 của Triều Tiên là tên lửa hai tầng. (Ảnh: Reuters)
Tạp chí Diplomat đã dẫn ra một số giả thuyết cho việc Nga một mực khẳng định tên lửa phóng hôm 4/7 của Triều Tiên chỉ là tên lửa tầm trung.
Thứ nhất, Hwasong-14 là tên lửa hai giai đoạn, trong khi đó, hệ thống cảnh báo sớm của Nga chỉ phát hiện giai đoạn đầu của vụ phóng tên lửa.
Nguồn thạo tin chính phủ Mỹ cũng xác nhận với The Diplomat rằng, trong giai đoạn đầu, Hwasong-14 bay xa khoảng 585km, tương đối sát với con số mà phía Nga đưa ra.
Trong khi đó, giới chức quốc phòng Mỹ đã theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên khoảng 70 phút, thậm chí từ giai đoạn chuẩn bị, trong đó 37 phút để theo dõi đường bay của tên lửa.
Nếu giả thuyết này là đúng, nghĩa là hệ thống cảnh báo sớm của Nga đã bỏ lỡ giai đoạn hai của tên lửa Hwasong-14. Tuy nhiên, Hwasong-14 không phải một vật thể nhỏ hay đủ khả năng tàng hình để né hệ thống radar cảnh báo của Nga.
Do đó, giả thuyết thứ hai được đưa ra và không liên quan đến năng lực của hệ thống radar cảnh báo sớm của Nga. The Diplomat nhận định: “Đây có thể là một màn kịch chính trị, ngoại giao”. Theo The Diplomat, Nga có thể muốn giúp Triều Tiên tránh nguy cơ bị áp các lệnh trừng phạt mới từ Liên Hợp Quốc.
Thực tế tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tuần trước, Nga đã phản đối dự thảo do Mỹ đề xuất nhằm kêu gọi Liên Hợp Quốc lên án vụ phóng tên lửa hôm 4/7 của Triều Tiên.
Minh Phương
Theo Diplomat