1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Nga không ngăn được luồng vũ khí phương Tây ồ ạt đổ vào Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga nhiều lần cảnh báo sẽ coi các lô vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine là mục tiêu để phá hủy, nhưng có nhiều lý do khiến Nga chưa thể ngăn chặn được những luồng vũ khí này.

Vì sao Nga không ngăn được luồng vũ khí phương Tây ồ ạt đổ vào Ukraine? - 1

Một lô vũ khí đang được Mỹ chuẩn bị để chuyển cho Ukraine (Ảnh: Không quân Mỹ).

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, các chuyên gia cho rằng vũ khí phương Tây đã giúp Kiev ngăn chặn đà tiến của lực lượng Nga. Riêng Mỹ đã chuyển cho Ukraine hơn 12.000 tên lửa chống tăng thiết giáp, 1.400 tên lửa phòng không vác vai, hơn 50 triệu viên đạn và nhiều khí tài khác.

Nga đã nhiều lần cảnh báo coi các chuyến vũ khí ồ ạt đổ vào Ukraine là mục tiêu để Moscow phá hủy, nhưng trên thực tế, họ chưa đạt được nhiều thành công trong việc ngăn chặn các luồng khí tài này.

Theo AP, một lý do được các chuyên gia đưa ra chính là Nga chưa giành được quyền kiểm soát hoàn toàn được không phận của Ukraine. Trước đó, họ mới chỉ giành được ưu thế trên không ở Ukraine. Vì vậy, việc Nga triển khai không lực trên bầu trời Ukraine vẫn còn khá hạn chế ở một số khu vực vì máy bay của Nga vẫn đối diện với rủi ro có thể bị bắn rơi. Thêm vào đó, các chuyên gia cho rằng, Nga cũng đang phải đối mặt với những thách thức nhất định trong việc đưa vũ khí tiếp tế cho quân đội của chính họ trong lãnh thổ Ukraine.

Robert G. Bell, một quan chức NATO lâu năm và hiện là giáo sư tại Trường Các vấn đề Quốc tế Sam Nunn thuộc Đại học Công nghệ Georgia (Mỹ), cho biết các lô vũ khí viện trợ được che giấu hoặc ngụy trang theo những cách khiến người Nga khó phân biệt được. Nga dường như thiếu mạng lưới trinh thám ở hiện trường để có thể xác định được chính xác đoàn xe hay phương tiện nào chở vũ khí nhằm tung ra biện pháp ngăn chặn.

Stephen Biddle, giáo sư tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết: "Không dễ để ngăn chặn các lô vũ khí hỗ trợ này. Những thứ như đạn dược và tên lửa vác vai có thể được vận chuyển trong những chiếc xe tải trông giống như bất kỳ chiếc xe tải thương mại nào khác. Và những chiếc xe tải chở vũ khí mà người Nga muốn đánh chặn chỉ là một phần nhỏ trong luồng hàng hóa và thương mại lớn hơn nhiều đang di chuyển từ các nước NATO như Ba Lan qua Ukraine".

"Vì vậy, người Nga phải mò kim đáy bể nếu muốn phá hủy luồng vũ khí và đạn dược đang đổ sang Ukraine mà không làm lãng phí khí tài của Moscow", ông Biddle nhận định.

Trong thời gian qua, Nga đã phóng khí tài vào các kho vũ khí cố định của Ukraine, gây ra thiệt hại không nhỏ cho Kiev, nhưng để ngăn chặn hoàn toàn luồng di chuyển vũ khí đổ về Ukraine không phải là việc dễ dàng. 

Trong bối cảnh, chiến sự ở Donbass được dự đoán sẽ trở nên quyết liệt trong thời gian tới, Nga có thể sẽ buộc phải có biện pháp mạnh mẽ nhằm phá hủy luồng vận chuyển vũ khí mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xem là "quan trọng đối với sự tồn vong của quốc gia". Phương Tây trong những ngày qua bắt đầu gia tăng đưa vũ khí hạng nặng vào Ukraine để giúp đối phó với Nga, điều có thể khiến Nga sẽ quyết đoán hơn trong việc ngăn chặn các mối đe dọa từ các hệ thống vũ khí này nếu được triển khai. 

Theo AP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm