Kho tên lửa Mỹ sắp cạn vì viện trợ cho Ukraine
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho thấy Mỹ đã viện trợ tên lửa chống tăng cho Ukraine nhiều tới mức kho vũ khí của Washington bị cạn kiệt.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Mỹ đã gửi nhiều tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine đến mức kho dự trữ tên lửa của Washington sắp cạn kiệt.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế tại CSIS, cho rằng Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để bổ sung tên lửa mới cho kho vũ khí của mình.
"Các nhà hoạch định quân sự đang lo lắng. Mỹ duy trì các kho vũ khí để chuẩn bị cho một loạt cuộc xung đột toàn cầu có thể xảy ra với Triều Tiên, Iran hoặc Nga. Tại một thời điểm nào đó, số vũ khí dự trữ sẽ xuống thấp đến mức các nhà hoạch định quân sự sẽ đặt câu hỏi liệu các kế hoạch quân sự có thể thực hiện được không. Mỹ có thể đang tiến gần đến mức đó", ông Cancian cho biết.
"Sẽ mất khoảng 3-4 năm để thay thế số tên lửa đã được chuyển giao cho đến nay. Nếu Mỹ chuyển giao nhiều tên lửa hơn cho Ukraine, thời gian thay thế sẽ kéo dài", ông Cancian cảnh báo.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hôm 13/4 cho biết các lô vũ khí khổng lồ được chuyển đến Ukraine, bao gồm hàng nghìn tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội Mỹ.
Tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger và là những khí tài chính mà Mỹ và các đồng minh phương Tây chuyển cho Ukraine thời gian qua nhằm đối phó với các cuộc tiến công của lực lượng Nga. Mỹ được cho là đang có kế hoạch tăng cường sản xuất các loại tên lửa này để bù đắp cho kho tên lửa đã bị rút dần sau khi cung cấp cho Ukraine.
Dây chuyền sản xuất tên lửa Stinger của Mỹ trước đó đã ngừng hoạt động, nhưng gần đây đã được nối lại để đáp ứng các đơn hàng từ nước ngoài. Hiện tại, ngoài duy trì hoạt động của dây chuyền này, Mỹ cũng có kế hoạch tăng cường sản xuất và cắt ngắn thời gian giao hàng sau khi tham vấn với nhà thầu chính Raytheon.
Javelin là hệ thống tên lửa chống tăng, hiện đại nhất của quân đội Mỹ với khả năng dẫn bắn vượt trội so với nhiều loại tên lửa. Javelin sử dụng hình ảnh nhiệt để tìm kiếm mục tiêu. Tên lửa Javelin được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của đối phương, nhưng nó cũng phát huy hiệu quả khi tấn công trực tiếp các tòa nhà, công sự, thậm chí cả khả năng bắn trực thăng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/4 công bố gói viện trợ khí tài bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng giá trị viện trợ của Washington cho Kiev lên hơn 2,5 tỷ USD. Gói viện trợ mới bao gồm 11 trực thăng Mi-17, 18 lựu pháo 155 mm Howitzer và 300 máy bay không người lái Switchblade, ngoài ra còn có các hệ thống radar có khả năng theo dõi hỏa lực.
Gói viện trợ lần này được chú ý nhiều hơn so với các gói viện trợ trước đó, một phần vì lần này có thêm các loại vũ khí tinh vi hơn và hạng nặng hơn. Một quan chức Mỹ cho rằng, do Nga đã thay đổi chiến lược, rút quân khỏi thủ đô Kiev và triển khai lực lượng tới Đông Ukraine, nên Mỹ cũng phải thay đổi chiến lược trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine.