1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Jeb Bush thất bại trong bầu cử sơ bộ?

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định nguyên nhân chủ yếu khiến ông Jeb Bush thất thế là do giới cử tri Cộng hòa quá ngán ngẩm với cái di sản tồi tệ mà ông Bush anh đã để lại cho nước Mỹ, bao gồm hai cuộc chiến tranh và một cuộc khủng hoảng tài chính ở phố Wall sau đó lan ra toàn cầu.


Ông Jeb Bush đã quyết định dừng chiến dịch tranh cử hôm 20/2 (Ảnh: express)

Ông Jeb Bush đã quyết định dừng chiến dịch tranh cử hôm 20/2 (Ảnh: express)

Tiền không làm tăng giá trị di sản

“Tôi tự hào về chiến dịch tranh cử. Chúng tôi đã chiến thắng khi đoàn kết đất nước và ủng hộ các giải pháp bảo thủ. Nhưng người dân Iowa, New Hampshire và South Carolina đã cho thấy quan điểm của họ và tôi thực sự tôn trọng quyết định đó”. Đó là lời tuyên bố chấp nhận thất bại của ông Jeb Bush, tại South Carolina ngày 20/2, khép lại chiến dịch tranh cử, chấm dứt tham vọng làm chủ Nhà Trắng lần thứ 3 của gia đình Bush.

Ông Jeb Bush, 62 tuổi, là em trai cựu Tổng thống George W. Bush (Bush con) và con trai của cựu tổng thống George H. W. Bush. Sau thất bại lớn ở Iowa và New Hampshire, chiến dịch tranh cử của Jeb được kỳ vọng sẽ đạt kết quả tốt tại South Carolina, bang có đông cử tri truyền thống của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông chỉ giành được số phiếu ít ỏi (8%), tụt lại quá xa so với đối thủ là Donald Trump (33,2%).

Khi bắt đầu chiến dịch tranh cử đầy hứng khởi, ông Jeb đã có những kế hoạch chi tiết mà nhóm của ông tự hào gọi là “The Playbook”. Theo đó, số tiền lớn đã được chi cho quảng cáo trên truyền hình (81 triệu USD), trong đó 36 triệu USD dành cho vận động ở bang New Hampshire, 15 triệu USD ở Iowa và 12,8 triệu USD ở bang South Carolina...

“The Playbook” là sản phẩm được Sally Bradshaw, Mike Murphy và một số người thân tín với Jeb ấp ủ trong hàng chục cuộc họp diễn ra ở nửa đầu năm 2015 và họ đã quyên góp được hơn 150 triệu USD vào cuối năm. Số tiền này nhiều hơn bất cử đối thủ nào khác của đảng Cộng hòa.

Giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử cả Jeb và Trump đều tấn công trực diện, và cả hai bên đều nói nhau là “kẻ thua cuộc”. Tuy nhiên, đối thủ của Jeb là tỷ phú Trump đã tấn công vào yếu huyệt của gia đình Bush, đặc biệt là di sản buồn từ các cuộc chiến tranh tại Iraq, Afghanistan do chính anh trai của ông là George W. Bush phát động.

Các cử tri từ bang Iowa tới South Carolina đều cho rằng, họ không thể đồng tình với ý tưởng về sự hiện diện của một “Bush thứ 3” tại Nhà Trắng trong 30 năm. Luật sư Kathy Randall tới từ Summerville, bang South Carolina, nói: “Rất nhiều bạn bè của tôi không muốn thấy thêm một ông Bush khác” nữa.

Vì thế, ông Trump luôn ở vị trí dẫn đầu trong số các ứng viên đảng Cộng hòa, ở cả bang South Carolina và trên khắp nước Mỹ. Với việc giành chiến thắng 2 trong 3 cuộc đua, gồm bầu cử sơ bộ ở New Hampshire và South Carolina, tỷ phú New York đang tạo khoảng cách lớn so với các đối thủ khiến ông Jeb tuyên bố thoái lui là có cơ sở.

Hiện tượng Donald Trump

Không chỉ vượt xa ông Jeb, ông trùm truyền thông Trump còn giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại South Carolina, với 32,5% số phiếu ủng hộ của cử tri đảng Cộng hòa, đánh bại Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio với số phiếu thấp hơn lần lượt là 22,3% và 20,9%.

Cho đến nay, ông Trump luôn ở vị trí dẫn đầu trong số các ứng viên đảng Cộng hòa, ở cả bang South Carolina và trên khắp nước Mỹ khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên bởi cách nói năng bất cẩn của ứng viên Tổng thống này. Giới nghiên cứu cho rằng, đây có thể coi là “hiện tượng Trump”.

Người ta còn nhớ hồi tháng 8/2015, khi ông Trump bắt đầu có tên trên các trang tin tức về bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, họ còn cho rằng Trump là “một người tưởng chừng đem lại xui xẻo nhưng lại mang tới may mắn”. Nhưng theo họ, tỷ phú Trump chỉ có thể đánh bại các đối thủ ít tiếng tăm.

Những tuyên bố thái quá về tình trạng người nhập cư, chống lại TPP, hủy bỏ hoặc thay thế Obamacare, phản đối dự luật kiểm soát súng đạn mới, thậm chí ông còn ca ngợi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un… khiến ông Trump “nổi tiếng”.

Với những sơ hở, thiếu kinh nghiệm chính trường, ông Jeb bị ông Trump công kích mạnh mẽ, nổi bật là vấn đề “chấm dứt việc công nhận quyền công dân đối với bất kỳ em bé nào sinh ra trên đất Mỹ” bằng lời chế giễu “những em bé bị dùng làm mỏ neo” - một thuật ngữ mang tính xúc phạm người nhập cư.

Tuy nhiên, sự dẫn điểm liên tiếp của ông Trump đối với các đối thủ trong nội bộ đảng Cộng hòa phản ánh tâm trạng của người dân Mỹ về sự thay đổi, có lẽ không đồng nghĩa với sự ủng hộ chính sách cực đoan của ông này, mà có thể chỉ biến ông trở thành “quân xanh” trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2017-2021 mà thôi.

Cơ hội dành cho ai?

Ngày 20/2, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng giành chiến thắng trước đối thủ Bernie Sanders trong cuộc họp kín của đảng dân chủ tại bang Nevada với 52,1% ủng hộ, vượt trên ông Sanders (47,8%) phiếu bầu.

Chiến thắng nội bộ tuy sát sao nhưng quan trọng này có thể gia tăng cơ hội giúp bà Clinton trở thành đại diện của đảng Dân chủ trong cuộc đua giành chiếc ghế Nhà Trắng. Nó trực tiếp tạo đà cho bà trước cuộc bầu cử sơ bộ ở bang South Carolina vào Ngày Siêu thứ ba - 1/3 tới.

Giới quan sát nhận định nguyên nhân chủ yếu khiến ông Jeb Bush thất thế là do giới cử tri Cộng hòa quá ngán ngẩm với cái di sản tồi tệ mà ông Bush anh đã để lại cho nước Mỹ, bao gồm hai cuộc chiến tranh và một cuộc khủng hoảng tài chính ở phố Wall sau đó lan ra toàn cầu. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là nhu cầu thay đổi của người dân Mỹ, họ đã chờ đợi quá lâu kể từ khi ông Obama hứa hẹn cách đây hơn 7 năm.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, bỏ phiếu cho ông Trump có thể không đồng nghĩa là sự tán thành với chính sách cực đoan và cách nói năng thô lỗ của ông ấy, mà chỉ là phản ánh tâm trạng muốn thay đổi, người dân Mỹ đã quá chán ngán với những cuộc cãi vã của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để rồi những gì họ làm vẫn là phục vụ không phải đa số người dân mà là các đại gia tài chính ở phố Wall.

Như vậy, với tuyên bố thất bại của ông Jeb, sự dẫn điểm của ông Trump trong cuộc cạnh tranh ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa đã phản ánh nhu cầu và tâm trạng của người dân Mỹ là “thay đổi” - Một nước Mỹ giàu mạnh, không lặp lại sai lầm của quá khứ và thân thiện với mọi dân tộc trên hành tinh này.

Ai sẽ trở thành ứng viên Tổng thống Mỹ sáng giá với cương lĩnh “thay đổi”? Cơ hội hiện vẫn giành cho cả các ứng viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Quang Huy

Video: WSJ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm