Vì sao Hạm đội Biển Đen Nga vẫn là một thế lực dù bị Ukraine tấn công?
(Dân trí) - Chuyên gia giải thích lý do vì sao Ukraine liên tục tập kích nhưng Hạm đội Biển Đen Nga chỉ suy yếu chứ khó có thể bị đánh bại.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, chiến dịch tấn công của Ukraine vào các vũ khí, khí tài quân sự của Nga ở Crimea đã làm "làm suy yếu" Hạm đội Biển Đen của Moscow nhưng chưa thể đánh bại được lực lượng này.
Theo ISW, Hạm đội Biển Đen Nga vẫn sở hữu hàng loạt vũ khí có thể tấn công mục tiêu của Ukraine trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột và đây vẫn là một lực lượng hùng mạnh.
ISW lý giải, Hạm đội Biển Đen nghe có vẻ giống như một tập hợp các vũ khí hải quân, tuy nhiên đây lại là đội hình quy mô lớn hơn rất nhiều, kết hợp của nhiều loại thiết bị quân sự như tổ hợp tên lửa đất đối đất, tên lửa bờ, lá chắn phòng không và cả lính thủy đánh bộ.
Ukraine thực hiện nhiều vụ tấn công Hạm đội Biển Đen Nga vào tháng 9 bằng tên lửa tầm xa, UAV, xuồng tự sát không người lái nhằm vào xưởng đóng tàu, các chiến hạm, trụ sở của đơn vị ở Sevastopol.
Chuyên gia nhận định, các cuộc tấn công dường như có hiệu quả nhất định. Theo các nguồn tin từ hiện trường, Nga hồi đầu tháng này dường như đã rút 2 tàu khu trục, 3 tàu ngầm, 5 tàu đổ bộ và một số tàu nhỏ hơn khỏi Sevastopol và đưa tới khu vực xa hơn.
Nhưng ISW nhận định, còn quá sớm để kết luận về hoạt động tương lai của Hạm đội Biển Đen.
"Các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào vũ khí hải quân của Hạm đội Biển Đen và các cơ sở sửa chữa ở Crimea có thể ngăn cản các đơn vị hải quân của hạm đội thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ. Vì vậy, việc khẳng định Ukraine đã đánh bại Hạm đội Biển Đen là quá sớm vì các vũ khí khác của đơn vị vẫn còn khả năng tham gia vào cuộc chiến", báo cáo cho hay.
Viện nghiên cứu nhận định, nếu Nga thực sự rút các tàu này khỏi Sevastopol, đây là một thành tựu của Ukraine vì Moscow đã suy giảm khả năng phong tỏa hành lang vận chuyển do Kiev thiết lập vào mùa hè này ở Biển Đen - tuyến đường có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế của Ukraine.
Và các cuộc tấn công của Ukraine đang gây thiệt hại cho một số sân bay và hệ thống phòng không của Nga, ảnh hưởng tới việc Nga sử dụng những cơ sở và tổ hợp này để thực hiện một làn sóng tấn công mới.
Tất cả những điều này đã làm suy yếu tiềm năng của Crimea như một "bàn đạp" cho các hoạt động của Nga ở mặt trận miền Nam, nơi Moscow trong nhiều tháng đã cố gắng ngăn chặn cuộc phản công của Kiev.
Bán đảo Crimea, được Nga sáp nhập vào năm 2014, là nơi có các tuyến đường sắt và đường bộ quan trọng trong việc vận chuyển quân đội, thiết bị và nhiên liệu đến tiền tuyến của Nga.