Vì sao căn cứ không quân Nga trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine?
(Dân trí) - Các vụ nổ tại căn cứ Engels và Dyagilevo được cho là cuộc tấn công sâu nhất từ trước đến nay của Ukraine vào lãnh thổ Nga, nhắm mục tiêu vào các cơ sở quan trọng trong chiến dịch quân sự của Moscow.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, vào sáng 5/12, lực lượng Ukraine sử dụng máy bay không người lái (UAV) do Liên Xô sản xuất tấn công các sân bay quân sự Dyagilevo ở tỉnh Ryazan và Engels-2 ở tỉnh Saratov nhằm vô hiệu hóa máy bay ném bom chiến lược Nga.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ các UAV Ukraine. Vụ tấn công khiến 3 kỹ thuật viên thiệt mạng và 4 quân nhân bị thương. Nga gọi đây là "hành vi khủng bố" và phóng loạt tên lửa đáp trả Ukraine.
Căn cứ Engels-2
Căn cứ không quân Engels-2 từ thời Liên Xô là nơi đóng quân của trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 121 của Nga, bao gồm các phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160. Trong chiến dịch quân sự của Nga tại nước láng giềng, các máy bay này từng phóng tên lửa phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
"Dựa trên vị trí của căn cứ không quân, các máy bay ném bom tại căn cứ này đã đóng một vai trò quan trọng trong các vụ đánh bom gần đây của Nga ở Ukraine", Rob Lee, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Theo chuyên gia Lee, khi tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào vào căn cứ Engels-2, Ukraine nhiều khả năng đặt mục tiêu phá vỡ kế hoạch của Nga nhằm tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine. "Ukraine đã cảnh báo trong nhiều tuần nay rằng Nga đang chuẩn bị cho một đợt tấn công tên lửa mới vào mạng lưới năng lượng của họ. Đây có thể là một cuộc tấn công phủ đầu", ông Lee nói.
Trích dẫn hình ảnh vệ tinh chụp căn cứ Engels-2, báo Der Spiegel tháng trước cũng đưa tin, Nga chuẩn bị một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn mới vào Ukraine.
Chuyên gia Lee ước tính Nga duy trì khoảng 15-16 máy bay ném bom Tu-95MS tại căn cứ không quân Engels-2 và 15 chiếc Tu-160, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dàn máy bay Tu-160 của Moscow.
Gleb Irisov, cựu trung úy không quân Nga xuất ngũ năm 2020, mô tả Engels-2 là "sân bay trọng điểm của lực lượng hàng không chiến lược Nga".
"Nếu Ukraine thực sự tấn công căn cứ Engels-2, điều đó cho thấy nước này đang đạt được nhiều tiến bộ trong khả năng tiếp cận các căn cứ cách xa chiến trường", Irisov nhận định.
Căn cứ Dyagilevo
Căn cứ không quân ở Dyagilevo, cách thủ đô Moscow hơn 240km, cũng là nơi đóng quân của trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 121. Các máy bay quân sự của Nga tại căn cứ này được cho là đã tấn công Ukraine.
Dyagilevo cũng đóng vai trò là căn cứ cho trung đoàn máy bay tiếp liệu Il-78 duy nhất của Nga, một đơn vị quan trọng về mặt chiến lược chịu trách nhiệm tiếp nhiên liệu trên không cho lực lượng không quân Nga.
"Việc phá hủy các máy bay ném bom chiến lược chắc chắn sẽ gây chú ý nhiều hơn, nhưng nếu Nga mất máy bay tiếp liệu Il-78, đó có thể là vấn đề lớn nhất đối với Moscow. Việc sản xuất máy bay tiếp liệu mới sẽ mất nhiều thời gian, nên đây có thể trở thành kịch bản gây thiệt hại nặng nề nhất cho Nga", chuyên gia Lee nói thêm.
Theo chuyên gia Lee, một trong những vấn đề chính đối với lực lượng không quân Nga là nhiều máy bay của nước này không được đặt trong nhà chứa, khiến chúng dễ bị tấn công.
"Rõ ràng Nga đã không chuẩn bị kế hoạch bảo vệ các căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ. Mặc dù thực tế đây không phải là cuộc tấn công đầu tiên trên lãnh thổ Nga, nhưng Moscow đã phản ứng rất chậm để bảo vệ các máy bay của mình", ông Lee nhận định.
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ nổ ở cả hai căn cứ quân sự, nhưng Baza, một cơ quan truyền thông Nga có nguồn tin từ các cơ quan an ninh, đưa tin căn cứ Engels-2 đã bị một máy bay không người lái tấn công.
Ông Lee tin rằng máy bay không người lái đã được Ukraine phóng từ bên trong lãnh thổ Nga. "Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có phạm vi tương đối ngắn và chúng sẽ không thể bay hết quãng đường đó nếu được phóng từ Ukraine", ông Lee nói.