1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vai trò của Bhutan trong cuộc đối đầu Trung - Ấn ở biên giới

(Dân trí) - Hơn một tháng qua, căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã có lúc bị đẩy lên cao tới mức tưởng như xung đột chỉ còn là vấn đề thời gian. Trên thực tế, khu vực đang xảy ra tranh chấp lại nằm ở Bhutan, nhưng vì sao một nước nhỏ như thế lại là nơi đang diễn ra tình trạng đối đầu giữa hai cường quốc châu Á?


Binh sĩ Ấn Độ tại khu vực biên giới (Ảnh: AFP)

Binh sĩ Ấn Độ tại khu vực biên giới (Ảnh: AFP)

Căng thẳng bắt đầu hồi tháng 6, khi Bắc Kinh xây dựng một con đường mới trên cao nguyên Doklam đang tranh chấp với Bhutan (Trung Quốc gọi là Donglang). Khu vực này tiếp giáp nơi Ấn Độ gọi là “cổ gà”, ngã ba nơi Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan giao nhau.

Đây không phải lần đầu tiên 2 cường quốc châu Á sở hữu vũ khí hạt nhân này đối đầu ở biên giới, nơi các vụ đụng độ, xô xát lẻ tẻ giữa biên phòng 2 nước vẫn thường xuyên diễn ra.

Trong bài phân tích mới đây, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của Hong Kong đã chỉ ra vai trò của Bhutan trong cuộc đối đầu Trung - Ấn ở biên giới.

Đầu tiên, từ góc nhìn của Trung Quốc, quân đội Ấn Độ đã vi phạm các quy định quốc tế khi cho các đơn vị vượt qua ranh giới lãnh thổ đã được quốc tế công nhận để can thiệp vào một khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc. Đây được xem là lần đầu tiên quân đội Ấn Độ đối đàu với quân đội Trung Quốc trên đất của nước thứ ba.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng cáo buộc New Delhi có liên quan đến một số hoạt động phá hoại con đường đang được xây để dẫn lên Doklam/Donglang. Trong những tuần tiếp theo, Trung Quốc có hành động chính thức, trong khi các cơ quan truyền thông nhà nước liên tục nhắc tới "bài học" về cuộc chiến giữa hai nước vào năm 1962.

Tuy nhiên, từ phía Ấn Độ, họ cũng có cơ sở để đưa quân đội can thiệp. New Delhi cho biết nước này và Trung Quốc từng nhất trí rằng tuyến đường dốc ở khu vực Himalaya cần phải được hình thành dựa trên quan điểm đó là đường biên giới cuối cùng. Tuy nhiên, cho tới nay, vấn đề này vẫn chưa được xác định và phân định. Chưa kể, một lý do mà phía Ấn Độ đưa ra là con đường Trung Quốc đang xây ảnh hưởng tới lợi ích an ninh của nước này trong khu vực, cũng như chủ quyền lãnh thổ của Bhutan.

Ở góc nhìn thứ 3, cả Ấn Độ và Bhutan đều có quan hệ đối tác đặc biệt, trong đó New Delhi sử dụng sức mạnh của mình để bảo vệ cho các vấn đề đối ngoại và an ninh của quốc gia láng giềng từ năm 1949 dựa theo một hiệp ước đối tác. Thoả thuận này được sửa lại vào năm 2007 để trao quyền tự trị lớn hơn cho Bhutan khi quốc gia này chuyển từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang chế độ quân chủ quốc hội.


Cao nguyên Doklam, nơi xảy ra căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc gần đây (Ảnh: Google Maps)

Cao nguyên Doklam, nơi xảy ra căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc gần đây (Ảnh: Google Maps)

Lựa chọn của Bhutan

Tới nay, Bhutan là quốc gia láng giềng duy nhất của Trung Quốc mà Bắc Kinh không có quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, Bhutan và Trung Quốc đã tổ chức tới 24 vòng đàm phán về vấn đề biên giới. Khu vực Doklam không chỉ là nơi duy nhất mà hai nước có tranh chấp, nhưng đây lại là nơi rất quan trọng với Ấn Độ, được coi là cửa ngõ dẫn vào hành lang Siliguri.

Năm 2005, Bhutan khi đó đã tìm cách trì hoãn sự "chỉ đạo" từ New Delhi để tổ chức đàm phán với Trung Quốc, điều khiến nhiều nhà lập pháp của Ấn Độ sững sờ. Một số nguồn tin từng cho rằng có khả năng Trung Quốc đã đề nghị một giải pháp, theo đó Bhutan nhượng bộ trong vấn đề Doklam để đổi lại những khu vực lãnh thổ rộng lớn hơn ở phía Bắc và phía Đông của nước này, nơi có những khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc.

Dù cuộc đàm phán vào năm 2005 hiếm khi được nhắc tới và được kiểm soát cẩn thận giữa Ấn Độ và Bhutan sau này, song nó cho thấy vai trò quan trọng của Bhutan trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng quyết định xây dựng đường dẫn tới Doklam của Trung Quốc có thể chỉ là đòn thử của Bắc Kinh về mối quan hệ đối tác đặc biệt giữa New Delhi và Thimphu.

Những ưu đãi mà 2 cường quốc châu Á dành cho Bhutan trong vấn đề Doklam sẽ được đưa ra trong thời gian tới, đặc biệt là khi Bhutan chuẩn bị tổ chức bầu cử quốc hội vào năm tới. Nếu tình trạng đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc kéo dài qua mùa đông sắp đến, đó có thể là một tình huống có lợi cho Bắc Kinh khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp diễn ra, trong khi tình hình đang cho thấy không có lợi cho New Delhi.

Các chuyên gia cho rằng Bhutan đang đứng trước những lựa chọn và quyết định cuối cùng để có thể kết thúc tình trạng đối đầu giữa hai cường quốc, cũng như xác định vị trí của nước này ở châu Á trong thời gian tới.

Ngọc Anh

Theo SCMP