1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao căng thẳng biên giới Trung - Ấn khó hòa giải?

(Dân trí) - Dù Trung Quốc và Ấn Độ đã có những động thái nhằm xoa dịu căng thằng tại khu vực biên giới nhưng Thời báo Hoa nam Buổi sáng nhận định rằng mâu thuẫn giữa 2 "ông lớn" tại châu Á dường tiếp tục diễn biến phức tạp và khó có thể giải quyết ngày một, ngày hai.

Binh sĩ Ấn Độ canh gác ở khu vực biên giới với Trung Quốc. (Ảnh: AFP)
Binh sĩ Ấn Độ canh gác ở khu vực biên giới với Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Theo SCMP, căng thẳng biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đang diễn ra tại 2 địa điểm riêng biệt. Một địa điểm là Aksai Chin, khu vực sa mạc rộng lớn không có người ở, có diện tích khoảng 37.000 km2. Địa điểm còn lại là bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực đồi núi đa dạng với dân số khoảng 1,4 triệu người trải rộng trên 84.000 km2, nơi Trung Quốc từ lâu vẫn coi là một phần của Tây Tạng.

Aksai Chin nằm giữa 2 bang Ấn Độ Jammu, Kashmir và tỉnh Tân Cương của Trung Quốc. Cả hai khu vực này đều đang xảy ra bất ổn bởi các cuộc xung đột ly khai cũng như cuộc tranh chấp kéo dài giữa Ấn Độ và láng giềng Pakistan. Với khu vực thuộc bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ tuyên bố khu vực này thuộc chủ quyền Ấn Độ dựa trên thỏa thuận giữa chính phủ Ấn Độ thời thuộc địa Anh với chính quyền Tây Tạng và Tân Cương hồi thế kỷ trước. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ điều này.

Hai bên đã đồng thuận đây vốn là vấn đề tồn đọng của thế hệ trước và không phải là việc có thể giải quyết nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, mâu thuẫn nổ ra do khái niệm “đường kiểm soát thực tế” (LAC). Khái niệm LAC rất khó để định nghĩa chuẩn xác, ở một vài trường hợp nó có thể chỉ kéo dài vài mét, nhưng cũng có những trường hợp dài hàng chục km.

Vì sao mâu thuẫn khó giải quyết?

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval sẽ chủ trì vòng đàm phán song phương mới nhất trong tuần này. (Ảnh: Xinhua)
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval sẽ chủ trì vòng đàm phán song phương mới nhất trong tuần này. (Ảnh: Xinhua)

Để giảm thiểu rủi ro đụng độ, hai bên thống nhất đưa ra một hiệp định chung nhằm đặt ra quy tắc về ứng xử. Điều quan trọng nhất trong hiệp định này là 2 nước thống nhất sẽ không xây dựng công trình có tính vĩnh viễn trên vùng lãnh thổ tranh chấp và lực lượng từ cả phía cần tính toán thực hiện nhiệm vụ tuần tra một cách thận trọng để tránh xảy ra đối đầu. Điều này có nghĩa là nếu lực lượng hai bên mặt đối mặt, đôi bên sẽ cùng rút quân về.

Hiệp định cũng đồng thời yêu cầu người chỉ huy từ 2 bên chiến tuyến phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những khúc mắc tại khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, có thể vì lý do hiểu nhầm mà 2 bên thường sẽ xích mích qua lại và dễ bùng phát thành tranh chấp.

Bắt đầu từ năm 1981, hai quốc gia bắt đầu đàm phán và thương lượng nhiều hơn từ các cấp khác nhau. Sau chuyến thăm năm 1988 của cựu Thủ tướng Rajiv Gandhi, 2 nước đã đồng thuận thiết lập lực lượng đặc biệt để thương lượng về vấn đề biên giới. Lãnh đạo Trung Quốc khi đó Đặng Tiểu Bình đã chào đón ông Gandhi nồng nhiệt, kêu gọi 2 nước hãy bỏ qua quá khứ.

Trải qua hàng chục năm đối đầu rồi lại bắt tay hòa giải, tuy nhiên theo SCMP, cả 2 quốc gia đều không tỏ ra hài lòng với yêu cầu của bên còn lại, dẫn đến sự khó lòng “bỏ qua quá khứ”. Từ năm 2003, những cuộc thương lượng đã được đẩy lên cấp cao hơn. Tuy nhiên, theo lực lượng tình báo Ấn Độ, tiến triển đàm phán giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn rất chậm chạp.

Theo SCMP, điều khiến cho việc thương lượng trở nên khó khăn hơn chính là do dư luận nội bộ của cả 2 nước. Cùng theo đuổi chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ khó khăn hơn gấp bội phần khi giải quyết vấn đề tranh chấp.

Hiệp định về Quản lý biên giới và Hợp tác được coi là một thành công của chính phủ 2 bên về vấn đề giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khi tiến đến bước đồng thuận về LAC, chủ nghĩa dân tộc của 2 bên lại tiếp tục trở thành rào cản cho mọi nỗ lực. Quan điểm “từ bỏ là mất thể diện quốc gia” được các phương tiện truyền thông xã hội tung hô, khiến mọi nỗ lực trở nên vô nghĩa.

Tuần này, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ lại tiếp tục tổ chức gặp gỡ giữa các lãnh đạo cấp cao trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 20 về vấn đề biên giới. Tuy nhiên, SCMP nhận định 2 bên có thể sẽ không thu hẹp được bất đồng và việc giải quyết mâu thuẫn giữa 2 quốc gia ở khu vực biên giới dường như tiếp tục sẽ là câu chuyện của tương lai.

Đức Hoàng

Theo SCMP