Vì sao Trung Quốc "lên gân" với Ấn Độ trong căng thẳng biên giới?
(Dân trí) - Quan chức Ấn Độ mới đây cho rằng, Trung Quốc "hung hăng bất thường" ở biên giới trong cuộc đối đầu quân sự Trung-Ấn được cho là căng thẳng nhất hơn 30 năm qua.
Sự hòa hoãn của Ấn Độ
Cuộc đối đầu căng thẳng ở khu vực biên giới Sikkim giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài hơn 1 tháng qua đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung Quốc hồi đầu tuần này đã yêu cầu Ấn Độ rút quân khỏi biên giới, coi đó là điều kiện tiên quyết để ngồi vào bàn đàm phán.
Căng thẳng bắt đầu leo thang hồi giữa tháng trước sau khi Trung Quốc cáo buộc binh sĩ Ấn Độ ngăn cản quân đội nước này xây dựng một con đường ở cao nguyên Doklam, nằm ở khu vực giữa biên giới Trung Quốc, biên giới phía bắc Ấn Độ và biên giới của Bhutan, một đồng minh của Ấn Độ. Ấn Độ cho rằng, khu vực này thuộc chủ quyền của đồng minh Bhutan, do vậy binh sĩ hai bên được cho là đã xảy ra xô xát.
Victor Gao, một cựu quan chức ngoại giao và từng là phiên dịch viên của cựu Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, nói rằng bất cứ quốc gia nào đặt trong tình huống như của Trung Quốc khi thấy “lính ngoại quốc” trên lãnh thổ của mình cũng sẽ điều binh để ngăn chặn. Ông Gao cho rằng, nếu Ấn Độ tiếp tục duy trì binh sĩ ở khu vực này, một cuộc xung đột sẽ khó tránh khỏi.
Trong khi đó, Ấn Độ giữ quan điểm hòa hoãn, kêu gọi đối thoại với điều kiện hai bên cùng rút quân. Truyền thông Ấn Độ cũng cho thấy một phản ứng hoàn toàn khác so với khi đăng tải thông tin về đối đầu căng thẳng ở biên giới với Pakistan.
Vì sao Trung Quốc "lên gân" vào thời điểm này?
Báo Hindustan Times bình luận, điều này cho thấy Ấn Độ rõ ràng muốn tránh một cuộc xung đột. Tờ báo dẫn nhận định của chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ New Delhi hòa hoãn, Bắc Kinh "lên gân” bởi Ấn Độ đang ở thời điểm "yếu" nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Trung Quốc do muốn tạo dựng vị thế thống trị ở châu Á nên họ đã lựa chọn thời điểm này để đối đầu với người láng giềng Ấn Độ.
“Đó là bài học mà New Delhi cần nhớ để tránh cuộc đối đầu này, không chỉ bởi vì quân đội Ấn Độ hiện không đủ mạnh để thách thức Trung Quốc, mà còn bởi đảng Nhân dân cầm quyền đang làm suy giảm năng lực của Ấn Độ với tư cách một cường quốc, khiến Ấn Độ không thể kháng cự lại sự hung hăng của Trung Quốc trong vài năm tới”, Hindustan Times bình luận.
Điều này nghe có vẻ không hợp lý bởi Ấn Độ vốn là quốc gia có lực lượng dân số trẻ, năng lực quân sự mạnh với kho vũ khí hạt nhân, và là một nền kinh tế lớn có sức thu hút nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Hindustan Times đã chỉ ra điểm yếu của Ấn Độ. Có thể thấy rõ nhất là nền kinh tế Ấn Độ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính các vấn đề trong nước. Môi trường đầu tư của Ấn Độ không có sự cải thiện trong nhiều năm qua do những bế tắc về chính sách, trong khi ngân hàng vật lộn với nợ xấu. Các cuộc đình công diễn ra khiến nhiều thành phố rơi vào tình trạng tê liệt nhiều tuần lễ, ngoài ra cuộc khủng hoảng việc làm kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.
Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi bị cho là tập trung quá nhiều sức lực vào tham vọng thống trị cả về mặt chính trị và tư tưởng, hơn là giải quyết các vấn đề thực sự của đất nước.
Cuộc đối đầu quân sự căng thẳng với Trung Quốc có thể sẽ là dịp để Ấn Độ nhìn lại vấn đề thực sự của mình. Nếu chính quyền của Thủ tướng Modi không có sự điều chỉnh kịp thời, khoảng cách chênh lệch giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ ngày một nới rộng và Bắc Kinh sẽ có nhiều cơ hội để thách thức New Delhi hơn.
Về phía Trung Quốc, BBC dẫn nhận định của chuyên gia phân tích Ajai Shukla cho rằng, Bắc Kinh đang thử thách cam kết của Ấn Độ với nước láng giềng Bhutan. "Trung Quốc luôn bực bội với mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ và Bhutan và thường tìm cách chia rẽ", chuyên gia Shukla nhận định.
Khu vực cao nguyên Doklam chứng kiến không ít những cuộc xung đột lẻ tẻ giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng lần này Trung Quốc được cho là đã trong thế sẵn sàng hơn cho mọi kịch bản.
Minh Phương
Theo Hindustan Times