1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ảnh vệ tinh "tố" Trung Quốc xây khu quân sự rộng lớn gần biên giới Ấn Độ

(Dân trí) - Ảnh vệ tinh được công bố dường như cho thấy Trung Quốc đang xây dựng khu liên hợp quân sự khổng lồ, chỉ cách vài km so với đường biên giới với Ấn Độ dọc theo cao nguyên Doklam. Đây là khu vực xảy ra căng thẳng giữa lực lượng Bắc Kinh và New Dehli trong 10 tuần hồi năm ngoái.

Quân đội Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Reuters)
Quân đội Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo Sputnik, hình ảnh vệ tinh chụp gần đây cho thấy lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang xây dựng khu liên hợp quân sự cách biên giới Ấn Độ 10km về phía đông. PLA được cho là đang xây dựng các đường hào, doanh trại và khu vực cất cánh hạ cánh cho máy bay trực thăng. Ngoài ra, một số khu vực được cho là đã và đang đào hố để đặt hệ thống hỏa lực, nhưng chưa thấy có sự xuất hiện của vũ khí hạng nặng.

Thêm vào đó, PLA dường như đã huy động quân đội và xe thiết giáp tới khu vực, bao gồm một trung đoàn cơ giới với sự góp mặt của xe chiến đấu bộ binh ZBL-09. Khí tài này có thể được trang bị hệ thống pháo và giáp chống máy bay.

Khi được hỏi về hoạt động của Trung Quốc gần biên giới, Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bipin Rawat nhận định đây dường như là các hoạt động xây dựng tạm thời của Trung Quốc. Ông Rawat đoán rằng PLA đang muốn xây cơ sở nhằm bảo vệ thiết bị quân sự trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Tây Tạng vào mùa đông do họ không thể di chuyển chúng đi. Ông cũng cảnh báo rằng nếu Trung Quốc có ý định mang quân quay trở lại Doklam, lực lượng Ấn Độ sẽ ở đó và đối mặt với PLA.

Cao nguyên Doklam là khu vực xa xôi hẻo lánh, không có cư dân sinh sống nằm ở giữa biên giới Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Năm ngoái, mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và New Dehli bùng nổ sau khi lực lượng PLA và các công nhân xây dựng đã tiến hành xây dựng đường trên cao nguyên vào tháng 6/2017.

Phía Bắc Kinh gọi khu vực này là “Donglang” và nói nó nằm trong lãnh thổ Tây Tạng và Trung Quốc có quyền xây bất cứ cơ sở hạ tầng nào họ muốn. Bhutan đã lên tiếng phản đối sự xuất hiện của Trung Quốc, và Ấn Độ đã can thiệp bằng cách điều quân đội tới khu vực tranh chấp.

Sau 10 tuần đối đầu, tới tháng 8/2017, hai quốc gia đã đàm phán thống nhất rút quân nhằm xuống thang căng thẳng và Trung Quốc dừng việc làm đường tại Doklam. Tuy nhiên, hồi tháng 10/2017, Trung Quốc được cho là vẫn âm thầm gia tăng sự hiện diện tại khu vực. Truyền thông Ấn Độ cáo buộc PLA đã xây dựng doanh trại quân đội thường trực và điều 1.000 quân nhân tới gần biên giới ở Doklam.

Đức Hoàng

Theo Sputnik