Ước mong đoàn tụ của người Triều Tiên ly tán ở tuổi "xế chiều"
(Dân trí) - Chạy trốn sang Hàn Quốc từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, những người Triều Tiên ly tán gần 70 năm qua không ngừng ước mong được đoàn tụ với gia đình ở bên kia đường biên giới, nhất là khi họ đã ở tuổi “gần đất xa trời”.
Vào ngày 27/9, ông Roh Hee-kwan, 87 tuổi, đứng tại công viên Imjingak gần đường biên giới liên Triều, hướng ánh mắt xa xăm nhìn về những dãy núi bên phía Triều Tiên. Điều này đã trở thành thói quen với ông trong những ngày nghỉ lễ.
Ông sẽ cùng vợ, bà Cho Jeong-sook, đến đây cầu phước lành cho những thân nhân đang ở phía Bắc đường biên giới và không quên bày tỏ nguyện ước cho chính mình sẽ gặp lại người mẹ già và 3 người anh chị em khác. Imjingak là nơi có khoảng cách gần nhất so với quê hương Gaesong của ông ở Triều Tiên.
Vào cuối năm 1950, khi chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, ông Roh đã một mình trốn chạy tới Hàn Quốc khi mới 20 tuổi. Ông chưa từng có cơ hội quay trở lại và bặt vô âm tín với gia đình từ đó.
Trước tượng đài tưởng niệm dành cho những gia đình ly tán vì chiến tranh, ông thắp hương và quỳ rạp xuống như một nghi lễ truyền thống. “Tôi chẳng thể làm gì cho mẹ tôi ở Triều Tiên mà chỉ biết quỳ gối ở đây và mong ngày có thể gặp lại bà trước khi tôi qua đời”, ông chia sẻ.
Năm nay, ông đến đây cùng 100 người khác. Ông Roh hiện sống ở Dongjak, Seoul và văn phòng quận đã tổ chức chuyến đi này. “Chúng tôi có nhiều những người gốc Triều Tiên sống tại quận Dongjakvà đã bị chia cách với gia đình sau chiến tranh năm 1950. Chúng tôi muốn giúp họ nhớ đến gia đình”, một quan chức quận chia sẻ lý do tổ chức chuyến đi hàng năm.
Trên khắp Hàn Quốc, có khoảng 8,7 triệu người có hoàn cảnh giống ông Roh.
Nỗi nhớ cội nguồn ở tuổi “xế chiều”
Một bé gái đứng ở hàng rào chia cách 2 miền Triều Tiên. (Ảnh: AFP/Getty)
Ông Yang Woon-cho, 80 tuổi, là người trẻ nhất trong nhóm người tham quan công viên Imjingak. Sinh ra ở quận Ongjin, đảo Baekryong, ông Yang đã bỏ trốn khỏi Triều Tiên cùng với cha, 1 chị gái và 1 anh trai. Khi đó ông mới 13 tuổi.
Mẹ và 2 người anh em khác của ông ở lại Triều Tiên. “Bà tôi đã rất ốm yếu. Cô của tôi đã tình nguyện ở lại để chăm sóc bà. Mẹ tôi nói rằng bà cũng sẽ ở lại và 2 anh em của tôi cũng lựa chọn theo mẹ”, ông Yang hồi tưởng.
Bốn người đã di chuyển tới một hòn đảo nhỏ gần đảo Baekryong. Sau đó, họ lên tàu chiến của liên quân Mỹ - Hàn Quốc và dừng chân tại tỉnh South Jeolla, Hàn Quốc. “Tôi cứ nghĩ cuộc chia ly này sẽ ngắn thôi. Tôi chẳng thế ngờ được tới tận bây giờ tôi vẫn chưa gặp lại được gia đình”, ông chia sẻ.
Ông đã tới công viên này hàng chục năm qua với nỗi nhớ nhà cồn cào. “Tôi không thể quên được kỳ nghỉ đầu tiên khi tôi đi nghĩa vụ quân sự. Ngày hôm đó, người thân các đồng đội của tôi đã được người nhà thăm nuôi, trong khi tôi không có lấy một ai”, ông kể lại kí ức buồn.
Anh trai, chị gái, và cha của ông đã lập gia đình và họ bận rộn với cuộc sống mới, bỏ lại ông Yang cô đơn trong nỗi nhớ nhà. Trong suốt 3 năm trong quân đội, ông không nghỉ lấy một ngày vì không biết phải đi đâu về đâu.
Cho dù đã lập gia đình và có con cái, nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn giằng xé trong lòng ông. Ông đã thử liên lạc với gia đình thông qua tổ chức Chữ thập đỏ Hàn Quốc nhưng bặt vô âm tín.
Đoàn tụ với gia đình
Ông nhận được tin của gia đình cách đây 5 năm trước qua một tình huống bất ngờ. Ông đã gặp lại một người em họ đào tẩu từ Triều Tiên qua Hàn Quốc. Thông qua người này, ông biết rằng mẹ ông đã qua đời một khoảng thời gian, 2 người anh em vẫn còn sống nhưng cuộc sống của họ khá vất vả. Người em họ cho biết khả năng gặp lại được anh em của ông là rất thấp, vì chính quyền Bình Nhưỡng đã chuyển họ tới một địa điểm khác.
“Thật buồn khi nghe tin anh em của tôi đang sống vất vả, nhưng dù sao tôi vẫn mừng rằng họ vẫn còn sống”, ông chia sẻ.
Năm nay, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên mức cao nhất trong thập niên qua khi Triều Tiên vẫn kiên trì với tham vọng hạt nhân và tên lửa còn phía Mỹ lại liên tiếp đe dọa rằng chiến tranh sẽ bùng phát.
“Tôi quen với căng thẳng rồi. Nhưng tôi không muốn chiến tranh trên bán đảo này nữa. Tôi đã trải qua một cuộc chiến và biết nó như thế nào rồi. Đó là một thảm kịch. Không một bên nào chiến thắng”, ông Yang tâm sự.
Ông Roh đồng tình với ông Yang nhưng cũng bày tỏ lo ngại rằng gia đình mình bên kia chiến tuyến sẽ gặp nguy hiểm nếu chiến tranh lại nổ ra.
Hiện giờ ông Yang còn một nỗi lo lắng khác khi vợ chồng ông đang sống dựa vào nguồn tài chính của con cái. Và tình trạng sức khỏe của ông không được tốt vì ông đã thực hiện nhiều cuộc đại phẫu trong 2 năm qua.
Nhưng điều vẫn khiến ông Yang đau đáu nhất là được gặp lại 2 người anh em trước khi ông qua đời. Cho dù không biết khi nào điều ước mới thành hiện thực, nhưng ông vẫn cố gắng sống để chờ đến ngày đó.
Đức Hoàng
Theo Korea Times