1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Số phận hai điệp viên Triều Tiên bị cáo buộc ăn trộm bí mật tên lửa Liên Xô

(Dân trí) - Hai điệp viên Triều Tiên từng bị cơ quan an ninh Ukraine phát hiện đánh cắp các bí mật tên lửa Liên Xô 6 năm trước hiện đang cải tạo trong một nhà tù Ukraine. Họ đều tỏ ra không mấy mặn mà về việc sắp được hồi hương.

Điệp viên Triều Tiên Ri Tae-gil (Ảnh: NYT)
Điệp viên Triều Tiên Ri Tae-gil (Ảnh: NYT)

Hành trình rơi vào vòng lao lý

Tháng 7/2011, hai điệp viên Triều Tiên trong vỏ bọc thành viên phái đoàn thương mại của nước này ở Belarus đã đột nhập vào một nhà kho cũ ở thành phố Dnipro của Ukraine và nghĩ rằng họ đang chụp lại được một báo cáo khoa học bí mật về công nghệ tên lửa Liên Xô.

Nhưng đó chỉ là một cái bẫy mà cơ quan an ninh Ukraine đã tạo ra nhằm ngăn chặn việc bí mật tên lửa bị đánh cắp. Hai nghi phạm Ri Tae-gil, 56 tuổi, và Ryu Song-chol, 46 tuổi, bị bắt và bị phạt tù 8 năm. Họ đang ngồi tù ở Ukraine vì tội gián điệp. Ri bị giam ở nhà tù số 8 ở Zhytomy, ở chung phòng với 8 tù nhân Ukraine, 4 người trong số đó đang thụ án tù chung thân.

Hình ảnh được cắt ra từ đoạn băng ghi hình gián điệp Triều Tiên đang chụp ảnh tài liệu (Ảnh: CNN/Youtube)
Hình ảnh được cắt ra từ đoạn băng ghi hình gián điệp Triều Tiên đang chụp ảnh tài liệu (Ảnh: CNN/Youtube)

Đoạn video được CNN công bố gần đây cho thấy cảnh 2 điệp viên bị bắt quả tang tại trận có thể cho thấy tham vọng của Bình Nhưỡng muốn đẩy nhanh tiến độ chương trình tên lửa tầm trung và tầm xa của nước này bằng việc “học hỏi” công nghệ của nước ngoài.

Ri và Ryu bị bắt bị bắt chỉ vài ngày trước khi nhà cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tuyên bố trong chuyến công du tới Nga rằng Bình Nhưỡng đang cân nhắc việc dừng sản xuất tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Việc đó sau này đã không trở thành hiện thực, khi chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển nhanh chóng kể từ đó.

Dù biết tiếng Nga, ngôn ngữ phổ biến tại Triều Tiên, nhưng các bạn tù cho biết ông Ri là người khá kiệm lời. Nhưng ông xem nhiều TV, nhất là những tin tức về những tiến bộ của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Khi được hỏi về cảm nhận về chương trình tên lửa nước mình, ông Ri từ chối trả lời.

Nhưng dường như sợ mọi người hiểu lầm về Triều Tiên, ông Ri cho biết Bình Nhưỡng đã phát triển chương trình tên lửa trong vòng 20 năm nay và họ có những kỹ sư xuất sắc.

Thứ trưởng Tư pháp Ukraine Denys Chernyshov mô tả Ri và Ryu "được đào tạo rất tốt và là những điệp viên thực thụ”. Ông cho biết trong suốt 6 năm ngồi tù, hai điệp viên Triều Tiên không hề nhận hay gửi thư cho gia đình hay bạn bè.

Nghi vấn xung quanh chương trình hạt nhân Triều Tiên

Sau chuỗi thử liên tiếp tên lửa tầm trung Musudan nhưng thất bại, Bình Nhưỡng năm ngoái đạt được thành công ngoài mong đợi. Bắt đầu từ tháng 9/2016, tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên không những có thể hoạt động mà thậm chí có thể bay xa hơn dự kiến. Vào tháng 7 năm nay, Triều Tiên thậm chí đã phóng tên lửa có khả năng bay tới Mỹ.

Để tìm lời giải thích hợp lý cho thành công bí ẩn của Bình Nhưỡng, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng nguyên nhân xuất phát từ Ukraine, cụ thể là nhà máy tên lửa Yuzhmash và phòng thiết kế Yuzhnoye ở Dnipro, nơi Ri và Ryu bị bắt.

Ukraine đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên, tung ra bằng chứng về việc bắt 2 điệp viên trên để chứng minh rằng Ukraine đã quyết tâm trong việc ngăn chặn Triều Tiên đánh cắp bí mật tên lửa. Có một sự thật là, những tên lửa Liên Xô đã gần như lỗi thời vẫn sở hữu công nghệ tiên tiến hơn bất cứ tên lửa nào Bình Nhưỡng từng chế tạo.

Cơ quan tình báo nội địa Ukraine cho biết họ đã theo dõi những âm mưu ăn trộm công nghệ trong nhiều năm qua. Ngoài gài bẫy và bắt giữ 2 điệp viên Triều Tiên, họ còn trục xuất 2 nhà ngoại giao Triều Tiên bị cáo buộc lấy trộm bí mật của Ukraine.

Tương lai bất định

Phòng giam ông Ri Tae-gil (Ảnh: NYT)
Phòng giam ông Ri Tae-gil (Ảnh: NYT)

Dự kiến tháng 9 năm 2018, ông Ri và Ryu sẽ mãn hạn tù. Tuy nhiên, họ không tỏ ra mặn mà với việc quay trở lại, dường như tỏ rõ nỗi lo lắng về số phận của chính mình và gia đình đang ở Bình Nhưỡng. Giới chức Ukraine tin rằng rất có thể họ sẽ xin tị nạn chính trị ở Ukraine hoặc một quốc gia nào đó, dù hiện tại họ vẫn chưa lên tiếng.

Ông Ryu, người bị giữ trong một cơ sở cải tạo bên cạnh nhà tù của ông Ri ở Zhytomyr, đã tỏ rõ thái độ không mong muốn được phỏng vấn. Ông che mặt, cố gắng chạy và hét lớn: “Tôi không có gì để nói. Tránh xa tôi ra. Tôi muốn sống yên ổn”.

Ông Ri, ngược lại, có thái độ cởi mở hơn ông Ryu. Ông chỉ trả lời một số câu hỏi cơ bản và từ chối trả lời hầu hết các câu hỏi khác. Phó giám đốc nhà tù Anatoli Gabitov mô tả: “Ông Ri là một tù nhân có hành vi tốt, không bao giờ gây rắc rối. Tôi mong tất cả tù nhân đều giống như ông ấy”.

Đức Hoàng

Theo New York Times