1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine triển khai pháo chống tăng thời Liên Xô trong cuộc xung đột với Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Ukraine đã trang bị pháo chống tăng MT-12 Rapira được sản xuất từ thời Liên Xô cho lực lượng vệ binh quốc gia nước này.

Ukraine triển khai pháo chống tăng thời Liên Xô trong cuộc xung đột với Nga - 1
Các binh sĩ thuộc lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine tập luyện với pháo chống tăng MT-12 Rapira (Ảnh: Bộ Nội vụ Ukraine).

Trong một thông báo được đưa ra trên mạng xã hội Facebook, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết các pháo chống tăng MT-12 Rapira cỡ nòng 100mm đã được trang bị cho lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine. Lực lượng này đang khẩn trương tập luyện làm quen để nhanh chóng đưa loại vũ khí hơn 60 năm tuổi được sản xuất từ thời Liên Xô này vào sử dụng trong nhiệm vụ phòng thủ chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Ukraine triển khai pháo chống tăng thời Liên Xô trong cuộc xung đột với Nga - 2
Pháo chống tăng MT-12 Rapira trong biên chế lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine (Ảnh: Bộ Nội vụ Ukraine).

Pháo chống tăng MT-12 Rapira do các kỹ sư Liên Xô thiết kế và đưa vào sử dụng từ những năm 1961. Với cỡ nòng 100mm và khả năng bắn nhanh tới 14 phát/phút, đây từng là loại súng chống tăng chủ lực trong biên chế quân đội nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các cựu thành viên của khối Warsaw.

Ukraine triển khai pháo chống tăng thời Liên Xô trong cuộc xung đột với Nga - 3
Pháo chống tăng MT-12 Rapira khai hỏa (Ảnh: Bộ Nội vụ Ukraine).

MT-12 Rapira có chiều dài khoảng 9m, chiều rộng 1,8m và chiều cao hơn 1,5m. Với trọng lượng khoảng 2,7 tấn, pháo chống tăng này thường được vận chuyển bằng các xe kéo Ural-375D cấu hình 6x6. Tốc độ hành trình của pháo chống tăng MT-12 có thể lên tới 60 km/h.

Bên cạnh việc tận dụng những vũ khí cũ nhưng vẫn còn giá trị sử dụng, trong thời gian qua, quân đội Ukraine vẫn liên tục nhận được thêm viện trợ quân sự từ các quốc gia đồng minh phương Tây.

Nhiều khí tài hiện đại như pháo phản lực phóng loạt HIMARS, tên lửa chống hạm, máy bay không người lái vẫn đang được Mỹ và phương Tây khẩn trương chuyển giao cho quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky nhằm giúp lực lượng này chống lại những đợt tấn công của Nga ở vùng Donbass, cũng như dồn lực phản công nhằm giành lại vùng lãnh thổ phía Nam Ukraine.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine