1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine thừa nhận sắp hết đạn dược giữa lúc chiến sự căng thẳng

Minh Phương

(Dân trí) - Quan chức tình báo Ukraine cho biết, quân đội nước này đang bị Nga áp đảo về hỏa lực và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung từ phương Tây để ngăn đà tiến công của Nga.

Ukraine thừa nhận sắp hết đạn dược giữa lúc chiến sự căng thẳng - 1

Binh sĩ Ukraine phóng rocket về phía lực lượng Nga ở Donbass (Ảnh: AFP).

"Đây là một cuộc chiến về pháo binh… Chúng tôi đang thua thiệt về khoản này. Tất cả bây giờ phụ thuộc vào những gì mà phương Tây cấp cho chúng tôi", ông Vadym Skibitsky, Phó Giám đốc cơ quan tình báo Ukraine, nói với Guardian ngày 9/6 khi chia sẻ về tình hình xung đột hiện nay giữa Ukraine và Nga.

Ông Skibitsky cho biết thêm: "Nếu Ukraine có một khẩu pháo thì Nga phải có tới 10-15 khẩu. Các đối tác phương Tây chỉ cấp cho chúng tôi khoảng 10% những gì họ có".

Theo ông Skibitsky, Ukraine hiện sử dụng khoảng 5.000 đến 6.000 đạn pháo mỗi ngày. "Chúng tôi đã sử dụng gần hết đạn pháo và đang dùng pháo cỡ nòng 155mm theo tiêu chuẩn NATO".

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra ác liệt ở chiến trường Donbass, miền Đông Ukraine. Kiev thừa nhận, Moscow chiếm ưu thế hơn do áp đảo về binh sĩ và hỏa lực trong khi Ukraine phụ thuộc vào nguồn cung khí tài từ phương Tây.

Trợ lý của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, hôm qua cho biết hiện nay mỗi ngày có khoảng 100-200 binh sĩ của nước này thiệt mạng, cao hơn con số trước đó mà Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố.

"Lực lượng Nga đã đưa ra tiền tuyến gần như tất cả những vũ khí phi hạt nhân mà họ có, bao gồm các pháo hạng nặng, hệ thống rocket đa nòng và hệ thống phòng không", ông Podolyak cho hay. Theo ông Podolyak, Ukraine cần 150-300 hệ thống phóng rocket để đối phó với Nga, con số này cao hơn rất nhiều so với số lượng mà Kiev đã nhận được.

Đó là lý do ông Skibitsky một lần nữa nhấn mạnh, Ukraine đặc biệt cần phương Tây cung cấp thêm các hệ thống pháo tầm xa. Trong tuần này, một cố vấn khác của Tổng thống Ukraine ước tính, Ukraine cần thêm khoảng 60 hệ thống nữa mới có cơ hội đẩy lùi lực lượng của Nga. Giới chức Ukraine được cho là sẽ đề nghị phương Tây cung cấp một số loại khí tài tại cuộc họp với lãnh đạo NATO vào ngày 15/6 tới.

Ông Skibitsky tin rằng, giai đoạn tới của cuộc xung đột Ukraine - Nga sẽ tiếp tục thiên về pháo kích. Trong tháng xung đột đầu tiên, Nga liên tục tấn công rocket vào các mục tiêu của Ukraine, nhưng hai tháng sau đó, tốc độ đã chậm lại. Dữ liệu công bố gần đây của quân đội Ukraine cho biết, Nga thực hiện khoảng 10-14 đợt pháo kích mỗi ngày. Mỗi quả rocket có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu USD.

"Chúng tôi nhận thấy Nga đang thực hiện ít đợt tấn công rocket hơn. Họ dùng rocket H-22 do Liên Xô sản xuất từ những năm 1970. Điều này có nghĩa là Nga có thể cũng đang cạn dần rocket", ông Skibitsky nhận định. Theo ông, Nga đã dùng khoảng 60% nguồn dự trữ rocket, trong khi đó họ không thể sản xuất rocket nhanh chóng do các lệnh trừng phạt. Ông cho biết, Nga cũng đang sử dụng các máy bay ném bom tầm xa để thực hiện các đợt tấn công mà không cần ra khỏi không phận nước này.

Ukraine thừa nhận sắp hết đạn dược giữa lúc chiến sự căng thẳng - 2

Xung đột Nga - Ukraine đang tập trung ở vùng Donbass (Ảnh: Guardian).

Nói thêm về tình hình chiến sự hiện nay, ông Skibitsky cho hay, 3 mặt trận trọng tâm là Donbass, vùng Kharkov ở đông bắc, Zaporizhzhia và Kherson ở phía nam.

Nga đang tập trung phần lớn lực lượng ở Donbass, đây cũng là mặt trận khốc liệt nhất. Ở Kharkov, Nga thiên về phòng ngự sau khi Ukraine phản công, giành lại quyền kiểm soát một số làng và thị trấn.

Ở Zaporizhzhia và Kherson, khu vực mà Nga gần như kiểm soát hoàn toàn, Moscow cũng xây dựng nhiều lớp phòng thủ để bảo vệ thành quả của chiến dịch.

"Hiện giờ việc giành lại lãnh thổ rất khó khăn. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần thêm vũ khí. Nếu họ chiếm được Donbass, họ có thể dùng đó làm bàn đạp để tấn công Odessa", ông Skibitsky nói.

Tình báo quân đội Ukraine nhận định, Nga có thể tiếp tục tốc độ chiến dịch như hiện nay nếu không sản xuất thêm vũ khí. Ông Skibitsky không loại trừ khả năng Nga sẽ đóng băng xung đột một thời gian để thuyết phục phương Tây dỡ bỏ trừng phạt. "Sau đó, họ sẽ kích hoạt trở lại, hãy nhìn thực tế 8 năm qua", ông Skibitsky nói khi nhắc đến chiến sự 8 năm qua ở miền Đông Ukraine.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine