1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lý do Ukraine vẫn thiếu vũ khí dù liên tục được hứa viện trợ

Minh Phương

(Dân trí) - Mặc dù Đức liên tục hứa viện trợ khí tài cho Ukraine nhưng một loạt vấn đề khiến việc bàn giao chậm trễ, trong bối cảnh Kiev cần thêm nhiều vũ khí cho cuộc chiến quyết định ở miền Đông.

Lý do Ukraine vẫn thiếu vũ khí dù liên tục được hứa viện trợ - 1

Binh sĩ Ukraine tập trận với pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad hồi tháng 1/2022 (Ảnh: Reuters).

Báo Business Insider dẫn nguồn thạo tin ngày 9/6 nhận định, Ukraine có thể thất vọng hơn nữa với tốc độ bàn giao những vũ khí mà Đức đã hứa cấp cho nước này bởi Berlin còn phải giải quyết một số thách thức.

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo nước này sẽ cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không IRIS-T SL, một trong những khí tài tiên tiến nhất của quân đội Đức.
Quyết định này khiến chính Bộ Quốc phòng Đức ngạc nhiên bởi trong kho của họ không có sẵn. Điều đó có nghĩa là Ukraine sẽ nhận bàn giao hệ thống đó trực tiếp từ nhà sản xuất Diehl.

Theo nguồn tin của Business Insider, đề xuất cấp IRIS-T SL cho Ukraine cũng đồng nghĩa với việc Đức phải từ chối đơn hàng của Ai Cập, để ưu tiên Kiev. Tuy nhiên, ngay cả khi được ưu tiên, sớm nhất là cuối năm nay Kiev mới có thể nhận được các hệ thống này.

Gói viện trợ vũ khí của Đức cho Ukraine cũng bao gồm một thỏa thuận 3 bên với Hy Lạp. Cụ thể, Đức sẽ chuyển xe tác chiến bộ binh Marder cho Hy Lạp, đổi lại, Athens sẽ chuyển xe quân sự do Liên Xô sản xuất cho Ukraine.

Đáng nói là, những xe quân sự này đang được biên chế cho các đơn vị quân đội của Hy Lạp trên các đảo, trong khi nếu thay thế chúng bằng xe tác chiến bộ binh của Đức, động thái này có thể bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là leo thang căng thẳng. Ngoài ra, Athens cũng đòi hỏi Berlin phải chuyển toàn bộ 50 xe tác chiến bộ binh Marder trước khi họ giao xe quân sự cho Kiev. Chưa kể, thỏa thuận này có thể gây căng thẳng với nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức bởi doanh nghiệp này muốn bán trực tiếp xe Marders cho Ukraine.

Ngoài những khí tài trên, Đức cũng muốn gửi cho Kiev một số hệ thống pháo phản lực MARS II, hay còn được gọi là pháo M270 "phiên bản châu Âu". Tuy vậy, kế hoạch bàn giao vào cuối tháng 6 của Đức có thể không khả thi bởi các hệ thống đó cần thời gian vài tháng để nâng cấp. MARS II sử dụng hệ thống kiểm soát cháy do Airbus thiết kế, không tương thích với một số loại đạn pháo sử dụng cho các hệ thống pháo khác.

Đó là những lý do mà Business Insider cho rằng những vũ khí Đức cam kết tặng Ukraine sẽ chưa thể sớm đến tay các đơn vị chiến đấu của nước này, ngoại trừ pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard. Berlin thông báo, 15 pháo Flakpanzer Gepard sẽ được giao cho Ukraine vào cuối tháng 7, và 15 hệ thống nữa sẽ giao vào cuối tháng 8.

Mặc dù là một trong những quốc gia viện trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine, nhưng Đức vẫn không tránh khỏi sự chỉ trích từ Kiev. Kiev cho rằng, sự hỗ trợ của Berlin là chưa đủ và chậm trễ. Ukraine cho biết, họ cần nhiều vũ khí hơn nữa để có thể xoay chuyển cục diện chiến sự với Nga trước tháng 8 năm nay. 

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm