Ukraine phản hồi đề xuất hòa bình của Tổng thống Brazil
(Dân trí) - Quan chức Ukraine lên tiếng sau khi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đề xuất rằng Kiev có thể nhượng bộ bán đảo Crimea như một giải pháp để khép lại chiến sự.
Ngày 6/4, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva gợi ý, Ukraine có thể nên từ bỏ bán đảo Crimea để cuộc chiến với Nga có thể khép lại, nhấn mạnh rằng, phía Kiev "không thể muốn tất cả mọi thứ".
"Thế giới cần hòa bình. Chúng ta phải tìm ra một giải pháp", ông nói.
Sau đề xuất của ông da Silva, Oleh Nikolenko, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ukraine, cho biết: "Ukraine đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Brazil trong việc tìm giải pháp cho chiến sự. Đồng thời, chúng tôi phải nói rõ rằng, Ukraine không đánh đổi lãnh thổ của mình".
Ông Nikolenko đã nhấn mạnh rằng, không có lý do pháp lý, chính trị hay đạo đức nào khiến Ukraine phải từ bỏ dù chỉ một tấc đất.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao Ukraine một lần nữa nhấn mạnh lập trường của nước này: Bất kỳ nỗ lực hòa giải nào nhằm khôi phục hòa bình ở Ukraine phải dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, nhưng cuộc trưng cầu dân ý do Moscow tổ chức không được Ukraine và phương Tây công nhận.
Cho tới nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từ chối đàm phán với Moscow, khẳng định trước tiên Nga phải rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine.
Gần đây, Andriy Sybiha, Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Financial Times rằng Kiev sẵn sàng thảo luận về tương lai của Crimea với Moscow nếu cuộc phản công sắp tới thành công.
"Nếu chúng tôi thành công trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trên chiến trường và khi chúng tôi tiến tới biên giới hành chính với Crimea, chúng tôi sẵn sàng mở một trang ngoại giao để thảo luận về tương lai của bán đảo này", Financial Times dẫn lời ông Sybiha.
Tuy nhiên, ông Mykhailo Podoliak, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, tuyên bố: "Nền tảng cho các cuộc đàm phán thực chất với Nga là Moscow phải rút hết quân ra khỏi biên giới Ukraine được quốc tế công nhận năm 1991, bao gồm bán đảo Crimea".