Ukraine lên tiếng thông tin sẵn sàng đàm phán với Nga về Crimea
(Dân trí) - Ukraine tuyên bố không nhượng bộ về lãnh thổ, bao gồm cả đàm phán với Nga về số phận của bán đảo Crimea.
"Nền tảng cho các cuộc đàm phán thực chất với Nga là Moscow phải rút hết quân ra khỏi biên giới Ukraine được quốc tế công nhận năm 1991, bao gồm bán đảo Crimea", ông Mykhailo Podoliak, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bình luận trên Twitter ngày 6/4.
Ông khẳng định, Ukraine sẽ không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ hay quyền chủ quyền.
Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi Andriy Sybiha, Phó Chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ Financial Times rằng Kiev sẵn sàng thảo luận về tương lai của Crimea với Moscow nếu cuộc phản công sắp tới thành công.
"Nếu chúng tôi thành công trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trên chiến trường và khi chúng tôi tiến tới biên giới hành chính với Crimea, chúng tôi sẵn sàng mở một trang ngoại giao để thảo luận về tương lai của bán đảo này", Financial Times dẫn lời ông Sybiha.
Nhà ngoại giao Ukraine cũng nhấn mạnh: "Điều đó không có nghĩa là chúng tôi loại trừ con đường giành lại Crimea".
Ông Sybiha là một nhà ngoại giao kỳ cựu, tập trung vào chính sách đối ngoại trong văn phòng tổng thống và đã sát cánh cùng Tổng thống Zelensky vào những thời điểm quan trọng của cuộc xung đột. Ông cho hay Tổng thống Zelensky và các trợ lý đang thảo luận cụ thể về Crimea, khi quân đội Ukraine tiến gần hơn đến việc phát động phản công để giành lại những vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát.
Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý của bán đảo này. Moscow tuyên bố Crimea là lãnh thổ không thể tách rời và không thể thương lượng.
Hiện chưa rõ mức độ thực chất sau tuyên bố của ông Sybiha.Theo giới quan sát, phát ngôn của ông Sybiha có thể nhằm xoa dịu các lãnh đạo phương Tây, những người đang hoài nghi về khả năng của Ukraine giành lại Crimea và lo ngại rằng bất kỳ nỗ lực như vậy bằng biện pháp quân sự có thể khiến xung đột leo thang.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, phát ngôn của ông Sybiha nhằm "tung hỏa mù", khiến Moscow tin cuộc phản công sắp tới của Kiev sẽ tập trung vào miền Nam, theo hướng Crimea.
Đến nay, chính quyền Tổng thống Zelensky vẫn từ chối hòa đàm cho đến khi Nga đồng ý rút hết quân, kể cả ở Crimea.
Nói về triển vọng đàm phán với Nga, ông Serhii Nikiforov, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine, nhấn mạnh chỉ nên tập trung vào các tuyên bố của ông Zelensky. Nói cách khác, điều kiện tiên quyết để hòa đàm theo quan điểm của chính quyền Tổng thống Zelensky là Moscow phải rút hết quân.
Ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng chính phủ Ukraine, cũng đưa ra thông điệp tương tự. "Điều kiện then chốt là chúng tôi giành lại toàn vẹn lãnh thổ".
Về kế hoạch phản công của Ukraine nhằm khôi phục lãnh thổ, giới chuyên gia nhận định, Kiev có thể cân nhắc một số phương án. Ở miền Nam, nếu Ukraine đẩy lùi được lực lượng Nga khỏi Zaporizhia, tiến công về thành phố Melitopol, họ có thể cô lập Crimea. Trong khi đó, một cuộc tấn công vào khu vực Lugansk ở vùng đông bắc thưa thớt dân cư và tương đối bằng phẳng có thể thuận lợi cho các đơn vị cơ giới, nhưng có thể khiến quân đội Ukraine ở đó dễ bị tổn thương.
Với việc lực lượng của Nga ở Donetsk bị cho là đã suy yếu, các đơn vị tăng cường của Ukraine có khả năng chọc thủng phòng tuyến của Nga và giành lại lãnh thổ xung quanh thành phố Donetsk dù các công sự kiên cố của Moscow ở đây sẽ đặt ra thách thức nghiêm trọng cho Kiev.