Ukraine nói thành phố cảng chiến lược thành "tro bụi" vì chiến sự
(Dân trí) - Ukraine báo động tình hình chiến sự căng thẳng tại thành phố cảng Mariupol khi các cuộc giao tranh vẫn đang nổ ra dữ dội.
"Trong khi Mariupol bị bao vây và ném bom, người dân phải chiến đấu để sinh tồn. Tình hình nhân đạo tại thành phố thật thảm khốc. Thành phố bị biến thành cát bụi", thông báo của Bộ Ngoại giao Ukraine hôm nay 28/3 cho biết.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng báo động tình hình chiến sự đáng lo ngại tại Mariupol - thành phố cảng chiến lược ở phía nam Ukraine với 400.000 dân.
"Tất cả cửa ngõ ra vào thành phố Mariupol đều bị chặn. Cảng cũng bị gài mìn. Một thảm họa nhân đạo đang xảy ra bên trong thành phố, vì người dân không thể tiếp cận thức ăn, thuốc men và nước sạch", ông Zelensky nói.
Theo Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko, thành phố này đang "trên bờ vực thảm họa nhân đạo" và người dân phải được sơ tán ngay lập tức. Ông Boichenko nói rằng, khoảng 160.000 dân thường đang bị mắc kẹt trong thành phố và sống trong tình trạng không có điện.
Sau nhiều tuần Mariupol bị bao vây, binh sĩ và dân thường Ukraine vẫn đang bị mắc kẹt tại đây và đối mặt với điều kiện sống khó khăn. 26 xe buýt đang chờ sơ tán dân thường Mariupol, song Thị trưởng Boichenko cáo buộc lực lượng Nga không đồng ý để họ sơ tán an toàn.
Nga cho đến nay vẫn khẳng định không tấn công các mục tiêu dân sự và dân thường ở Ukraine. Moscow cũng đổ lỗi cho Ukraine về việc không đồng ý thiết lập các hành lang an toàn cho dân thường sơ tán.
Khi cuộc xung đột bước sang tháng thứ 2, Ukraine cho rằng lực lượng Nga phần lớn không đạt được mục tiêu ban đầu là kiểm soát các thành phố lớn nhất, bao gồm thủ đô Kiev. Thay vào đó, Nga buộc phải thu hẹp các mục tiêu trước mắt là kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở phía nam và thành phố Chernihiv có vị trí chiến lược ở phía bắc.
Trong cuộc phỏng vấn với các phóng viên Nga hôm 27/3, Tổng thống Zelensky nói rằng các lực lượng Nga đã tiến vào các khu vực ở Mariupol. Ông đã nói với các binh sĩ Ukraine vẫn đang bám trụ ở đó rằng, họ có thể rời khỏi thành phố để đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình.
"Tôi đã nói chuyện với họ hai lần trong một ngày. Tôi nói với họ: "Nếu bạn cảm thấy rằng bạn cần phải rời đi và thấy điều đó là đúng, để bạn có thể sống sót, thì hãy làm điều đó. Tôi hiểu điều đó"", ông Zelensky nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky cho biết các binh sĩ Ukraine từ chối rời khỏi Mariupol vì họ không muốn bỏ lại đồng đội và dân thường thiệt mạng và bị thương.
Jack Watling, nhà nghiên cứu tại Anh, dự đoán các lực lượng Ukraine khó có thể kiểm soát Mariupol lâu hơn vài ngày nữa vì các binh sĩ đã kiệt sức. "Họ đã hết nước uống, hết thức ăn trong một khoảng thời gian rồi", ông Watling cho biết.
Thành phố Mariupol phải hứng chịu những đợt pháo kích nặng nề nhất kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự hôm 24/2. Mariupol trở thành mục tiêu bao vây của quân đội Nga từ đầu tháng 3 và lực lượng này tiếp tục tiến sâu vào thành phố, bất chấp sự kháng cự của Ukraine.
Ngày 20/3, Nga ra tối hậu thư yêu cầu lực lượng vũ trang thành phố Mariupol hạ vũ khí đầu hàng lực lượng Nga và mở hành lang nhân đạo cho dân thường rời khỏi Mariupol. Đáp lại, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk tuyên bố "sẽ không có sự đầu hàng hay hạ vũ khí".
Với vị trí địa lý chiến lược và tầm quan trọng thương mại, thành phố Mariupol là một trong những mục tiêu hàng đầu Nga muốn kiểm soát tại Ukraine. Đây là trung tâm giao thương hàng hải nhộn nhịp nhất tại khu vực Biển Azov và được coi là "mắt xích" không thể thiếu trong hành lang trên bộ của Nga tại Ukraine.
Vị trí của Mariupol khiến thành phố này trở nên quan trọng về mặt chiến lược, vì việc kiểm soát Mariupol sẽ cho phép Nga thiết lập hành lang trên bộ từ Lugansk đến Donetsk và xuống Crimea. Lugansk và Donetsk là 2 vùng lãnh thổ ly khai vừa được Nga công nhận độc lập ở Donbass, Đông Ukraine.
Nếu kiểm soát được Mariupol, Nga có thể kiểm soát hầu như toàn bộ Biển Azov và mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng của Moscow ở khu vực gần Crimea - bán đảo Nga sáp nhập năm 2014.