1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine nói phương Tây có thể viện trợ tiêm kích "sát thủ" F-16

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết, Kiev đang trao đổi với châu Âu về việc viện trợ cho Ukraine tiêm kích F-16.

Ukraine nói phương Tây có thể viện trợ tiêm kích sát thủ F-16 - 1

Một tiêm kích F-16 (Ảnh: NI).

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ngày 25/1 cho hay, "các đồng nghiệp ở châu Âu" giấu tên đang thảo luận với Kiev về việc cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine.

Trên tài khoản Facebook, nhà ngoại giao hàng đầu Ukraine đã tiết lộ về cuộc trao đổi với một "đồng nghiệp châu Âu" ẩn danh.

Theo ông Kuleba, quan chức trên nói đã bắt đầu quá trình nhằm cung cấp cho Ukraine tiêm kích F-16.

"Ông ấy biết cần phải làm gì", nhà ngoại giao Ukraine nói.

Vào ngày 20/1, một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng từ khoảng 50 quốc gia đã được tổ chức tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức. Tại đây, các quan chức đã thảo luận về việc viện trợ quân sự cho Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị phương Tây đẩy nhanh việc chuyển giao xe tăng, pháo binh và hệ thống phòng không cho Kiev. Ngoài ra, ông hy vọng Ukraine sẽ được viện trợ máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa tầm xa.

Tuy nhiên, trong các loại vũ khí mà Ukraine yêu cầu, Mỹ vẫn lưỡng lự trong việc chuyển giao các vũ khí hiện đại, trong đó có tiêm kích F-16.

Trang Defense Express dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói về lý do vì sao Lầu Năm Góc vẫn chưa cung cấp các hệ thống vũ khí hiện đại trên cho Ukraine. Theo đó, việc viện trợ các loại vũ khí trên không phải làm một nhiệm vụ dễ dàng vì nó sẽ kéo theo hàng loạt các yêu cầu phức tạp về mặt hậu cần.

Việc các cơ sở hậu cần sửa chữa của Ukraine vốn chỉ được xây dựng nhằm phục vụ các vũ khí do Liên Xô sản xuất sẽ khiến việc chuyển giao mất rất nhiều thời gian. Nếu vội vã, các vũ khí hiện đại do phương Tây sản xuất sẽ không được sửa chữa và bảo dưỡng trong điều kiện tốt, qua đó tăng khả năng hỏng hóc bất ngờ và tệ hơn là sẽ lọt vào tay quân đội Nga.

Giới chức quốc phòng của Mỹ cùng nhiều nước đồng minh phương Tây đã nhiều lần bảy tỏ với phía Ukraine về việc không muốn các công nghệ hiện đại được trang bị trên máy bay chiến đấu, xe tăng và các tổ hợp phòng không của họ bị quân đội Nga thu giữ và nghiên cứu nhằm tìm cách hóa giải.

Với các máy bay chiến đấu F-15 và F-16, hạ tầng sân bay của Ukraine hiện cũng không cho phép Kiev tiếp nhận các loại máy bay này. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hồi tháng 7/2022 đã thừa nhận các sân bay quân sự của Ukraine hiện tại đều không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật hỗ trợ các máy bay chiến đấu F-15 hoặc F-16.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine