1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga nêu cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Nga nêu ra những điều phương Tây cần làm để cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev có thể kết thúc.

Nga nêu cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine - 1

Xe quân sự Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine (Ảnh: Reuters).

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 20/1 nhận định, quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa khép lại.

Ông cho rằng, trong khi cuộc xung đột ngày càng diễn biến xấu đi, cách duy nhất để đảo ngược nó là các quốc gia phương Tây thừa nhận sai lầm và thay đổi chính sách của họ (về vấn đề Nga và Ukraine). Ông kêu gọi Mỹ và đồng minh đáp ứng các lo ngại về an ninh từ Nga và sửa chữa các sai lầm trước đó ở vùng Donbass.

Ông Peskov nói, trong 2 năm qua, quan hệ song phương của Nga và Mỹ rất tồi tệ và "không có hy vọng cải thiện sớm".

Ông cho hay: "Chúng ta có thể thấy sự tham gia gián tiếp và đôi khi trực tiếp ngày càng tăng của các quốc gia NATO vào cuộc xung đột này". Ông cho rằng, phương Tây đang hành động với "ảo tưởng rằng Ukraine có cơ hội để giành chiến thắng trên chiến trường".

Để tình thế bế tắc có thể được giải quyết, ông Peskov kêu gọi, Mỹ và các đồng minh của họ phải quay ngược đồng hồ về thời điểm cuối năm 2021, "khi Nga đề xuất một cuộc thảo luận về những lo ngại an ninh của họ trên bàn đàm phán" nhưng lại bị phương Tây bác bỏ.

Ông cáo buộc, Đức, Pháp và Ukraine đã không nghiêm túc thực hiện thỏa thuận Minsk và giờ là lúc sửa chữa sai lầm. Ông đề cập tới thỏa thuận giúp tạo ra lộ trình giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine mà 3 quốc gia đã ký với Nga vào năm 2015.

Trước đó, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, thỏa thuận mà họ đàm phán với Nga là cách để trao cho Ukraine thêm thời gian để xây dựng lại quân đội.

Nga cáo buộc rằng, lời thừa nhận trên là bằng chứng cho thấy các cuộc thương lượng được tiến hành một cách thiếu thiện chí và rằng chính phủ Ukraine và những nước ủng hộ họ đã luôn có ý định khiến thỏa thuận Minsk thất bại và để cuộc đối đầu ở Donbass được giải quyết bằng các biện pháp quân sự.

Nga đã gửi một loạt đề xuất an ninh tới NATO và Mỹ hồi tháng 12/2021. Trong đó, Moscow yêu cầu NATO rút vũ khí tấn công khỏi khu vực gần biên giới Nga và đảm bảo rằng Ukraine không bao giờ được gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.

Hồi tháng 1/2022, Mỹ và NATO đã từ chối đề xuất và nói rằng họ sẽ chỉ quan tâm đến các cuộc đàm phán nhằm kiểm soát vũ khí chiến lược. NATO cũng bật đèn xanh để kết nạp Thụy Điển, Phần Lan.

Cuối năm ngoái, Alexander Darchiev, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: "Sẽ là quá sớm để khởi động bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc nào về đảm bảo an ninh liên quan tới tình hình Ukraine và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương chừng nào vũ khí và tiền còn được chuyển cho chế độ (của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky); chừng nào quân nhân/lính đánh thuê/người hướng dẫn của Mỹ và NATO vẫn còn xuất hiện ở Ukraine; và trừ khi các diễn biến thực tế nhất định trên thực địa được công nhận. Quả bóng bây giờ đang ở bên sân của Mỹ".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine