1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine nổi giận với đề xuất nhượng bộ lãnh thổ với Nga để được vào NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine coi đề xuất nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy tư cách thành viên NATO là "không thể chấp nhận được".

Ukraine nổi giận với đề xuất nhượng bộ lãnh thổ với Nga để được vào NATO - 1

Mykhailo Podoliak, Cố vấn của Tổng thống Ukraine (Ảnh: PA).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko ngày 15/8 khẳng định bất cứ ý tưởng nào về việc Ukraine từ bỏ một phần lãnh thổ để được kết nạp vào NATO là "không thể chấp nhận được".

"Chúng tôi luôn quan niệm rằng NATO, cũng như Ukraine, không có chuyện trao đổi lãnh thổ. Sự tham gia có ý thức hoặc vô thức của các quan chức NATO trong việc định hình câu chuyện liên quan đến khả năng Ukraine từ bỏ lãnh thổ của mình sẽ có lợi cho Nga", ông Nikolenko nhấn mạnh.

Ông nói thêm: "Việc thảo luận thúc đẩy chiến thắng cho Ukraine và kết nạp Ukraine vào NATO mới thực sự mang lại lợi ích cho an ninh châu Âu - Đại Tây Dương".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh Kiev tiếp tục hợp tác với NATO để đạt được những mục tiêu này.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Stian Jenssen, Giám đốc Văn phòng Tổng thư ký NATO, gợi ý Ukraine có thể nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đổi lấy tư cách thành viên trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.

"Tôi nghĩ một giải pháp cho Ukraine có thể là họ từ bỏ một phần lãnh thổ để được kết nạp vào NATO", ông Jenssen phát biểu trong một cuộc thảo luận diễn ra ở thành phố Arendal của Na Uy ngày 15/8.

Theo quan chức này, các cuộc thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine ở NATO trong tương lai đang diễn ra, một số phương án đã được xét đến, trong đó có phương án nhượng bộ lãnh thổ. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh Ukraine mới là bên cuối cùng quyết định khi nào đàm phán và với những điều kiện nào.

Ukraine từ lâu theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận, đặc biệt khi xung đột với Nga chưa chấm dứt.

Không lãnh đạo NATO nào công khai ủng hộ ý tưởng Ukraine từ bỏ lãnh thổ gồm 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia mà Nga tuyên bố sáp nhập hồi cuối năm ngoái sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Tương tự, dù hoài nghi về khả năng của Ukraine giành lại bán đảo Crimea, nhưng không quan chức phương Tây nào hối thúc Kiev từ bỏ lãnh thổ này.

Tuy nhiên, ý tưởng đó dường như vẫn được thảo luận kín đáo ở hậu trường. Báo Neue Zurcher Zeitung hồi tháng 2 dẫn nguồn thạo tin nói rằng Giám đốc CIA William Burns đề nghị một thỏa thuận "đổi lãnh thổ lấy hòa bình". Theo đề xuất này, Nga sẽ kiểm soát 20% lãnh thổ của Ukraine. Nga và Mỹ sau đó đều bác bỏ thông tin.

Mykhailo Podoliak, Cố vấn Tổng thống Ukraine, kịch liệt phản đối ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ. "Đổi lãnh thổ để nhận được ô bảo vệ của NATO? Thật nực cười", ông nói.

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ của mình, đẩy lùi đối phương khỏi lãnh thổ. Việc một đại diện của NATO nói rằng chúng tôi nên cân nhắc nhượng bộ lãnh thổ để trở thành thành viên của NATO thật kỳ quặc".

Ông tuyên bố Kiev sẽ không bao giờ đàm phán với chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cũng cho biết hiện không đối tác quốc tế nào gây sức ép buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.

Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh liên minh này "sẽ đảm bảo Ukraine có được vũ khí họ cần để giành lại lãnh thổ, chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga với tư cách một quốc gia độc lập, có chủ quyền".

Một đại diện của NATO cũng khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến khi cần nhằm giúp họ đạt được hòa bình lâu dài". Quan chức này cũng đề cập đến việc phương Tây cần thiết phải đưa ra các cam kết an ninh nhằm đảm bảo xung đột ở Ukraine không tái diễn.

Theo RT, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine