Bộ trưởng Quốc phòng Romania từ chức vì gợi ý Ukraine nhượng bộ lãnh thổ
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Romania Vasile Dincu từ chức do vấp phải chỉ trích sau khi gợi ý Ukraine từ bỏ một số lãnh thổ để đạt thỏa thuận hòa bình với Nga.
RT đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Romania Vasile Dincu ngày 24/10 đã đệ đơn từ chức và thông báo trên Facebook. Ông nói không thể hợp tác với Tổng thống Klaus Iohannis, người chỉ trích gay gắt việc ông gợi ý thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kiev trên cơ sở nhượng bộ lãnh thổ.
"Tôi từ chức vì không còn khả năng hợp tác với Tổng thống Romania, người giữ chức tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Quyết định này là cần thiết để tránh cản trở quy trình ra quyết định, cũng như tránh ảnh hưởng đến hàng loạt dự án quan trọng với khả năng hoạt động tối ưu của quân đội Romania", Bộ trưởng Dincu viết.
Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu tháng, ông Dincu kêu gọi đàm phán quốc tế để đạt thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine. Theo ông, quá trình này đòi hỏi "sự tham gia của các nước trên thế giới, của Mỹ và NATO".
Ông giải thích, chính phủ Ukraine không thể tự mở đàm phán (với Nga) bởi các lãnh đạo chính trị của nước này không chấp nhận việc từ bỏ lãnh thổ. Theo ông, kể cả chỉ "đóng băng" xung đột, thì đàm phán vẫn có lợi hơn những gì đang diễn ra hiện nay.
Quan điểm của ông Dincu ngay lập tức đã vấp phải chỉ trích gay gắt của liên minh cầm quyền ở Romania và Tổng thống Iohannis. Ông Iohannis cho rằng, chỉ Ukraine mới có quyền quyết định khi nào đàm phán và đàm phán với ai.
Về phần Ukraine, đáp lại gợi ý của ông Dincu, giới chức nước này tuyên bố Kiev chỉ sẵn sàng đàm phán với các nước phương Tây về chủ đề duy nhất: gia nhập NATO.
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 9 và tiếp tục những dấu hiệu leo thang mới. Moscow đổi chiến thuật, tăng cường tập kích vào hạ tầng trọng yếu trên khắp Ukraine trước thềm mùa đông nhằm cản trở đà phản công của Kiev.
Bất chấp những thách thức này, Ukraine khẳng định không bao giờ chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy thỏa thuận hòa bình với Nga. Kiev cho biết, đàm phán chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân và Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ.
Ukraine đang phản công mạnh ở Kherson, miền Nam nước này. Những ngày gần đây, chính quyền Kherson do Nga bổ nhiệm bắt đầu sơ tán hàng chục nghìn người dân, di chuyển binh sĩ và trang thiết bị từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Dnipro.
Một số ý kiến cho rằng, Nga đang rút lui khỏi thành phố chiến lược của Ukraine sau hơn nửa năm kiểm soát. Tuy nhiên, ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu Cục tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, cảnh báo Moscow có thể đang tìm cách đánh lạc hướng.
"Không có chuyện Nga rút lui khỏi Kherson. Về nhiều khía cạnh, đây là một hoạt động đánh lạc hướng... Nói cách khác, họ đang tạo ra ảo tưởng rằng mọi thứ đã trôi qua. Ngược lại, họ đang đưa các đơn vị quân đội mới vào đó và chuẩn bị phòng thủ trên từng tuyến phố", ông Budanov nói.