1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine nói có thể sẽ không bao giờ ký hiệp ước hòa bình với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức tình báo hàng đầu của Ukraine nói về kịch bản Moscow và Kiev có thể sẽ không bao giờ ký hiệp ước hòa bình với nhau.

Ukraine nói có thể sẽ không bao giờ ký hiệp ước hòa bình với Nga - 1

Người đứng đầu Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine Kirill Budanov (Ảnh: AFP).

Ông Kirill Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, đã nói về khả năng Nga và Ukraine có thể không bao giờ ký hiệp ước hòa bình chính thức để chấm dứt cuộc xung đột hiện tại.

Ông Budanov chỉ ra Nga và Nhật Bản, hai nước chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình toàn diện sau Thế chiến II do 2 bên vẫn tranh chấp chủ quyền liên quan tới một số khu vực thuộc quần đảo Kuril mà Moscow đang kiểm soát. Nhật Bản gọi vùng này là "Lãnh thổ phía Bắc". 

"Có những trường hợp trong lịch sử khi các cuộc chiến cũ giữa các quốc gia chưa được kết thúc một cách chính thức. Một ví dụ rõ ràng là Nga và Nhật Bản. Họ không ký thỏa thuận hòa bình sau năm 1945 do tranh chấp về Quần đảo Kuril. Vấn đề lãnh thổ này đã kéo dài hơn 70 năm", ông Budanov viết trong bài xã luận cho tạp chí NV.

"Đây là lý do tại sao kịch bản như vậy rất có thể xảy ra trong trường hợp của chúng tôi", ông Budanov cho biết, cáo buộc Nga có tham vọng với lãnh thổ của Ukraine. 

Đánh giá của ông Budanov được đưa ra trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine ở mặt trận phía Nam trong vài tháng qua chưa đạt được các bước tiến lớn.

Quân đội Ukraine đã phải vật lộn để xuyên thủng các tuyến phòng thủ kiên cố và vượt qua các bãi mìn dày đặc, khiến họ thiệt hại đáng kể. Nhận định với Economist trong tháng này, Valery Zaluzhny, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine, mô tả tình hình trên chiến trường là "bế tắc".

Triển vọng về hiệp ước hòa bình giữa Moscow và Kiev vẫn ảm đạm khi cả hai nước đều đưa ra những điều kiện tiên quyết trái ngược nhau và không có dấu hiệu nhượng bộ.

Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao khác của Ukraine tuyên bố chỉ đàm phán khi Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát và đã sáp nhập. Ukraine không công nhận các cuộc trưng cầu dân ý mà Nga tổ chức ở Crimea, Donbass, Kherson, Zaporizhia.

Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.

Trong khi đó, Nga tuyên bố những yêu cầu của Ukraine là không thể thực hiện được.

Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng trước nói rằng mục tiêu của Moscow khi mở chiến dịch quân sự không phải là giành được những lãnh thổ mới mà là để bảo vệ người dân Donbass và duy trì an ninh của chính phía Moscow.

Ông Putin một nhấn mạnh Nga không bao giờ phản đối giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cáo buộc Ukraine chưa thực sự sẵn sàng đàm phán.

Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: "Nếu nói về đàm phán, hãy để ông Zelensky hủy bỏ sắc lệnh mà ông ấy đã ký một năm trước, trong đó cấm ông ấy và tất cả các quan chức cấp dưới tham gia đàm phán với Nga".

Theo ông Lavrov, phương Tây vẫn "thúc đẩy chính quyền Ukraine tiếp tục cuộc chiến". Ngoại trưởng Nga khẳng định Moscow không tìm cách né tránh các cuộc đàm phán với Ukraine.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm