1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Putin ra điều kiện đàm phán về xung đột Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn để ngỏ đàm phán với phương Tây về cuộc xung đột ở Ukraine và các vấn đề khác, nhưng đó phải là đàm phán thực chất.

Ông Putin ra điều kiện đàm phán về xung đột Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: TASS).

"Tổng thống (Putin) không bao giờ từ chối liên lạc, đối thoại, bởi vì Tổng thống nói rằng ông luôn sẵn sàng cho những cuộc đàm phán khác nhau, đặc biệt là các hội nghị thượng đỉnh. Nhưng Tổng thống muốn đó phải là những đối thoại thực chất, mang lại kết quả, không phải đàm phán sáo rỗng", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 13/11 cho biết.

Ông Peskov nhấn mạnh thêm, mặc dù hiện tại, phương Tây chưa quan tâm đến lợi ích của Nga, nhưng điều này sẽ thay đổi theo thời gian.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ông để ngỏ đàm phán với Tổng thống Putin trong tương lai về cuộc xung đột ở Ukraine.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Heilbronner Stimme hôm 12/11, Thủ tướng Đức Scholz chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, đồng thời cam kết Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự, tài chính để giúp Ukraine đối phó chiến dịch của Moscow.

Mặt khác, nhà lãnh đạo Đức để ngỏ đàm phán với Nga. Ông cho biết, ông từng hội đàm với Tổng thống Putin và sẵn sàng làm như vậy trong tương lai.

"Đàm phán về vấn đề Ukraine đòi hỏi Nga phải có bước đi cần thiết", ông Scholz nhấn mạnh và hối thúc Nga trước tiên cần rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Lần gần đây nhất ông Scholz và ông Putin điện đàm là vào tháng 12/2022. Thời điểm đó, nhà lãnh đạo Nga phản đối chính sách của phương Tây cấp vũ khí và hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Ukraine. Moscow cho rằng, chính điều này khiến Ukraine rút khỏi cuộc hòa đàm với Nga vào phút chót.

Nga khẳng định vẫn để ngỏ đối thoại với Ukraine, song cáo buộc Kiev không có thiện chí đàm phán và chịu sự chi phối của phương Tây.

Cuối năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông qua sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Putin sau khi Nga sáp nhập 4 khu vực gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Ông Zelensky sau đó đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm, trong đó có yêu cầu Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine và bồi thường chiến tranh. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ và cho rằng kế hoạch của Kiev phi thực tế.

Triển vọng đàm phán giữa Nga và Ukraine do vậy tiếp tục bế tắc. Các đồng minh, đối tác phương Tây cam kết tiếp tục viện trợ cho Kiev đến khi cần, bất chấp có những ý kiến cho rằng nguồn lực của họ đã cạn kiệt và họ cũng bắt đầu mệt mỏi vì xung đột Ukraine.

Chính quyền Thủ tướng Đức Scholz cuối tuần qua đã nhất trí tăng gấp đôi quy mô viện trợ quân sự cho Ukraine từ 4,3 tỷ USD lên 8,6 tỷ USD năm 2024.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm qua cho biết nước này sẽ mở rộng và tăng cường hỗ trợ Ukraine trong những năm tới, trước mắt là giúp Ukraine bảo vệ hạ tầng trọng yếu trong mùa đông trước các cuộc tập kích của Nga.

Bà Baerbock không nêu cụ thể kế hoạch hỗ trợ của Đức, và chỉ nói rằng Berlin sẽ cung cấp thêm một hệ thống phòng không Patriot và các máy phát điện cho Ukraine.

Theo RT, TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine