1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine nêu lý do không đàm phán chấm dứt xung đột với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine cho rằng cơ hội đàm phán hòa bình với Nga rất mong manh ở thời điểm hiện tại do những yêu cầu khó chấp thuận từ cả hai phía.

Ukraine nêu lý do không đàm phán chấm dứt xung đột với Nga - 1

Binh sĩ Ukraine giao tranh ở Bakhmut (Ảnh: Reuters).

"Thật không may, hiện tại không có cơ hội cho các cuộc đàm phán hòa bình vì điều kiện tiên quyết của chúng tôi là giải phóng các vùng lãnh thổ của chúng tôi, còn điều kiện tiên quyết của Nga là làm suy yếu nhà nước Ukraine và tước quyền tồn tại của một quốc gia và muốn chúng tôi chấp nhận rằng chúng tôi là người Nga", Đại biện lâm thời Ukraine tại Malaysia Denys Mykhailiuk cho biết hôm 29/3.

Nhà ngoại giao Ukraine nói rằng, ngay cả Nga cũng chưa sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.

"Tôi nghĩ rằng Nga cũng chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán và tôi không thấy không gian chính trị cho các cuộc đàm phán", ông Mykhailiuk nói thêm.

Theo ông Mykhailiuk, mọi cuộc chiến đều sẽ kết thúc trên bàn đàm phán nhưng trước đó, các lực lượng Nga phải bị đẩy lùi khỏi lãnh thổ Ukraine. Nhà ngoại giao Ukraine chỉ trích kế hoạch của Nga về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ điều này và chúng tôi kêu gọi các đối tác của mình, trong đó có Philippines, lên án hành động có thể dẫn tới nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Mykhailiuk nhấn mạnh.

Ông Mykhailiuk và các nhà ngoại giao Ukraine đã có chuyến thăm 4 ngày tới Manila để gặp gỡ những người đồng cấp nhằm thảo luận về quan hệ Philippines - Ukraine.

Các cuộc hòa đàm giữa Moscow và Kiev đã đóng băng kể từ tháng 3 năm ngoái. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin ngày 29/3 đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

Theo bản kế hoạch này, quân đội Ukraine trước tiên phải hạ vũ khí, phương Tây phải ngừng toàn bộ hoạt động cung cấp khí tài cho Kiev. Một số điều kiện khác gồm những yêu cầu mà Moscow đã đưa ra tại bàn đàm phán trước đó như Ukraine phải "phi quân sự hóa", "phi phát xít hóa", cam kết không bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Liên minh châu Âu (EU), khẳng định vị thế trung lập.

Một điều kiện khác được bổ sung hồi tháng 10/2022, bao gồm việc công nhận "các thực tế mới về lãnh thổ" hay thừa nhận việc Nga đã sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk sau những cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Ngoài ra, Ukraine phải cam kết bảo vệ ngôn ngữ Nga, quyền lợi của cộng đồng người nói tiếng Nga cũng như các nhóm dân tộc thiểu số khác ở Ukraine. Ukraine cần mở cửa biên giới với Nga, khôi phục khung pháp lý về quan hệ với Moscow và các nước cộng hòa hậu Liên Xô.

Lần đầu tiên, Moscow đề nghị dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt chống Nga và "rút lại các cáo buộc, ngừng các vụ kiện nhằm vào nước Nga, công dân và tổ chức của Nga".

Đề nghị cuối cùng trong kế hoạch hòa bình do ông Galuzin đưa ra là phương Tây phải bồi thường thiệt hại, trang trải chi phí tái thiết các cơ sở hạ tầng dân sự bị quân đội Ukraine bị phá hủy kể từ năm 2014.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố, Ukraine sẽ không bao giờ thỏa hiệp về lãnh thổ để đạt thỏa thuận hòa bình với Moscow. Kiev cũng đưa ra đề xuất hòa bình 10 điểm của mình, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân, khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine. 

Theo CNN
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm