1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine gặp khó khăn chồng chất khi Nga tăng cường tập kích cơ sở năng lượng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trước các cuộc tập kích có cường độ cao của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, Ukraine đối mặt với nhiều thách thức để khắc phục tình hình.

Ukraine gặp khó khăn chồng chất khi Nga tăng cường tập kích cơ sở năng lượng - 1

Lính cứu hỏa Ukraine dập tắt đám cháy tại một trạm điện sau cuộc tập kích tên lửa của Nga (Ảnh: Getty).

Từ ngày 10/10 tới nay, Nga đã phóng hàng loạt tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tự sát vào cơ sở quân sự, năng lượng, thông tin liên lạc của Ukraine.

Các vụ tập kích đã gây ra thiệt hại lớn tới Ukraine, phá hủy 30-40% cơ sở hạ tầng năng lượng đất nước, gây ra tình trạng mất điện, mất nước kéo dài tại nhiều khu vực.

Giờ đây, Ukraine tiếp tục đối diện với khó khăn khác khi DTEK - tập đoàn năng lượng khổng lồ của Ukraine cung cấp một phần đáng kể nguồn năng lượng cho cả nước - đang cạn kiệt thiết bị để khắc phục tình trạng mất điện kéo dài trong vài tuần qua.

Hôm 31/10, các quan chức công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine thông báo, kho thiết bị của tập đoàn sắp trống rỗng sau một loạt vụ tấn công dồn dập của Nga. Vào cùng ngày, Nga phóng hơn 50 quả tên lửa vào mạng lưới điện và nước của Ukraine, khiến tình hình thêm phức tạp cho DTEK.

Trong khi Giám đốc điều hành DTEK Dmytro Sakharuk cho biết, công ty này có thể mua một số thiết bị để bù đắp thiệt hại, chi phí của thiết bị hiện được tính bằng hàng trăm triệu USD. Những thiệt hại này được xem rất nghiêm trọng và khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

Vụ tập kích diễn ra chỉ vài tuần sau khi các quan chức Ukraine thông báo triển khai cắt điện luân phiên thường xuyên trên toàn quốc khi nước này bắt đầu sửa chữa hệ thống lưới điện bị tàn phá.

Kể từ khi cuộc chiến Moscow - Kiev bùng phát cách đây 8 tháng trước, một số nhà máy điện hạt nhân của Ukraine đã bị gián đoạn và giảm công suất, trong khi đây là nguồn cung cấp điện lớn nhất quốc gia Đông Âu. Mặt khác, chiến sự khiến việc khai thác than của Ukraine cũng đối mặt với khó khăn, khiến họ mất đi một nguồn phát điện quan trọng khác.

Các vụ tấn công gần đây đã khiến Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko thừa nhận, nước này có thể sẽ cần phải nhập khẩu điện để có thể duy trì cuộc sống qua mùa đông năm nay.

Cuối tuần qua, Thị trưởng thành phố Kiev Vitaly Klitschko cảnh báo nguy cơ nhiều người dân Ukraine có thể bị chết rét trong vài tháng tới.

Yuri Vitrenko, người đứng đầu tập đoàn năng lượng nhà nước Ukraine Naftogaz, đã cảnh báo rằng người dân nước này đang phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất từ trước đến nay, đồng thời cho biết các cuộc không kích của Nga đã phá hủy "khoảng 40% các nhà máy điện".

Ngoài ra, theo Tass, Chủ tịch Ủy ban tài chính quốc hội Ukraine Danil Getmantsev ngày 31/10 cho biết, GDP của Ukraine đang mất ít nhất 203 triệu USD mỗi ngày do hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn từ các vụ không kích của Nga và còi báo động tấn công trên diện rộng.

Theo ông, các cuộc tập kích và nguy cơ bị tập kích đang khiến Ukraine bị tê liệt hoạt động kinh tế. Ông đề nghị để giảm thiệt hại, các công ty nên có chế độ linh hoạt như làm việc từ xa hoặc làm việc vào cuối tuần để bù đắp cho thời gian các hoạt động kinh tế bị đình trệ và không làm gián đoạn việc sản xuất các sản phẩm thiết yếu.

Trước đó, giới chức Ukraine cho rằng, nước này cần khoản viện trợ ít nhất 17 tỷ USD để khắc phục cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, con số này sẽ tăng nếu Nga tiếp tục tập kích trong thời gian tới.

Theo Newsweek, Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine