1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine dùng cách đặc biệt đối phó tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine được cho đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng và đang tìm mọi cách để khắc phục tình trạng này, truyền thông Mỹ đưa tin.

Ukraine dùng cách đặc biệt đối phó tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng - 1

Lữ đoàn pháo binh 93 của Ukraine chiến đấu gần Bakhmut, Donbass (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Theo Washington Post, để kéo dài thời gian trong lúc chờ phương Tây sản xuất thêm đạn dược viện trợ cho chiến sự, Ukraine đang thực hiện nhiều biện pháp để đối diện với tình trạng thiếu loại vũ khí quan trọng này.

Với việc chiến sự Nga - Ukraine có sự tham gia dày đặc của pháo binh, đạn pháo trở thành khí tài then chốt, có thể quyết định cục diện của các trận đối đầu. Trước tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng, pháo binh Ukraine đã buộc phải cẩn thận chọn lựa mục tiêu và ưu tiên tập kích vào khí tài quân sự của Nga, hơn là các nhóm lính nhỏ.

Trong một số trường hợp, các binh sĩ Ukraine đã tái chế các quả bom, đạn chưa nổ mà Nga bắn ra để tạo ra nguồn cung thay thế. Thêm vào đó, Ukraine cũng sử dụng máy in 3D để tạo ra các loại đạn dược nhỏ, chi phí thấp có thể thả từ máy bay không người lái (UAV) xuống. Hoạt động sản xuất được tiến hành ở các xưởng bí mật dưới lòng đất tại Donbass.

Washington Post dẫn lời một quan chức quân sự Ukraine cho biết, Kiev đang sử dụng khoảng 7.700 quả đạn pháo mỗi ngày, tức là trung bình 6 giây họ phóng ra một quả đạn. Nga - bên mà Mỹ và Ukraine cho rằng đang thiếu đạn pháo, được cho đang sử dụng số lượng gấp 3 lần mức trên mỗi ngày.

Kho pháo từ thời Liên Xô của Ukraine sử dụng đạn 152mm. Do thiếu nghiêm trọng nguồn đạn pháo này, họ đang phải dần chuyển sang dùng đạn 155mm theo chuẩn NATO.

Hiện thời, Ukraine có nhiều đạn 155mm hơn do được viện trợ, nhưng lại có ít hệ thống hỏa lực để bắn đạn 155mm so với đạn 152mm. Với tốc độ sử dụng như hiện tại, kho đạn 155mm của Ukraine có khả năng không duy trì được lâu, theo các chuyên gia. Trong tương lai, họ sẽ phải phụ thuộc vào phương Tây để duy trì năng lực chiến đấu.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo vào tháng 2/2023: "Tỷ lệ sử dụng đạn dược hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần so với tốc độ sản xuất hiện tại của chúng tôi".

Ngoài ra, theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Yuriy Sak, các nước NATO Bulgaria, Ba Lan và Slovakia đã đồng ý sản xuất các loại đạn 152mm cho Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ sẽ mất bao lâu để sản xuất và chuyển loại đạn này tới chiến trường ở Ukraine.

"Vấn đề chính cần quan tâm là tính bền vững. Các quốc gia từng thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây đã dỡ bỏ dây chuyền sản xuất đạn dược cỡ nòng của Liên Xô kể từ khi họ trở thành thành viên của NATO. Chúng tôi rất cần loại đạn chuẩn Liên Xô này, vì vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khôi phục dây chuyền sản xuất", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói.

Thêm vào đó, Ukraine cũng phải tích trữ đạn pháo để phản công. Các binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến nói với Washington Post rằng họ có đủ đạn để đối phó với các đợt tiến công của Nga, nhưng không đủ để phản công. Khi Ukraine trong thế chủ động tấn công, họ sẽ cần có lượng đạn dược lớn hơn tối thiểu 3 lần đối thủ để đảm bảo ưu thế.

Theo Washington Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine