1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine đổi chiến thuật để xuyên phòng tuyến "bức tường thép" của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trước phòng tuyến kiên cố của Nga, Ukraine đang thay đổi chiến thuật để giảm thiệt hại về tăng thiết giáp so với giai đoạn đầu chiến sự.

Ukraine đổi chiến thuật để xuyên phòng tuyến bức tường thép của Nga - 1

Binh sĩ Ukraine bắn một khẩu lựu pháo ở khu vực Donetsk (Ảnh: AFP).

Financial Times dẫn lời các chỉ huy chiến trường của Ukraine cho biết, lực lượng bộ binh Ukraine đã chuyển chiến thuật trong cuộc phản công sang tập trung vào pháo kích vào các vị trí của Nga thay vì cố gắng vượt qua các "bức tường thép" của Moscow bằng thiết giáp hạng nặng.

Từ đầu tháng 6, quân đội Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công Nga nhưng không đạt được những thành tựu đáng kể và chịu thiệt hại nhiều vũ khí, khí tài quân sự.

Nga trong nhiều tháng qua đã xây dựng hệ thống phòng tuyến được ví như "bức tường thép" với hào chống tăng, dây thép gai, chiến hào bê tông, bãi mìn chống tăng, phòng tuyến răng rồng và hầm.

Các lực lượng Ukraine đã xây dựng một kho vũ khí đáng kể gồm xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí khác do Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp nhằm thực hiện một "cú đấm thép" xuyên thủng các phòng tuyến của Nga. 

Ukraine đổi chiến thuật để xuyên phòng tuyến bức tường thép của Nga - 2

Một khu vực phòng thủ của Nga ở Zaporizhia (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, Nga vận hành các hệ thống phòng thủ được xếp chồng lên nhau và có thể kéo dài vài chục km. Các hệ thống này đã tạo ra 8 lớp công sự nguy hiểm mà Ukraine phải trả giá bằng thiết giáp hạng nặng và binh lính nếu tìm cách vượt qua.

Cụ thể, các xe bọc thép của Ukraine nếu tìm cách tiến công sẽ bị mắc kẹt trong các bẫy chống tăng, khiến chúng phải hứng chịu hỏa lực của Nga. Trong khi đó, lính bộ binh vượt qua bẫy chống tăng này có thể bị sa lầy trong hàng rào thép gai, khiến họ dễ trở thành mục tiêu bị tấn công.

Nếu các lực lượng Ukraine vẫn vượt qua được, họ sẽ phải đối mặt với các chiến hào, bãi mìn và phòng tuyến răng rồng - những hàng cọc bê tông được thiết kế để cản đà tiến của các phương tiện đối phương.

"Không thể làm gì nếu chỉ dùng xe tăng và thiết giáp để băng qua phòng tuyến của Nga. Vì bãi mìn quá sâu và nếu chỉ dùng xe tăng, với một số thiết giáp thì sớm muộn gì chúng cũng sẽ phải dừng lại, và sau đó nó sẽ bị phá hủy bởi hỏa lực tập trung", Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine lực lượng, Tướng Valery Zaluzhny, nói với Washington Post vào tháng trước.

Vì vậy, các chỉ huy Ukraine nói với Financial Times rằng Kiev đang tăng cường sử dụng pháo hạng nặng nhằm vào các mục tiêu của Nga bên kia chiến tuyến, để dọn đường cho công binh và các đơn vị bộ binh tiến lên.

Với hệ thống pháo, Ukraine hy vọng có thể xuyên thủng phòng tuyến Nga mà một tướng về hưu Mỹ từng gọi là "20km địa ngục".

Theo Financial Times, việc thay đổi chiến thuật đang giúp Ukraine giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, sau khi tập trung dùng hỏa lực xuyên phá phòng tuyến Nga, Ukraine lại đối mặt với một vấn đề khác là thiếu đạn pháo 155mm.

Các đồng minh phương Tây đã đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể duy trì mức độ pháo kích cần thiết để thực hiện chiến thuật mới hay không, các nguồn thạo tin cho hay.

Điều này dẫn tới quyết định gây tranh cãi của Mỹ là cung cấp đạn chùm cho Ukraine hôm 20/7, với kỳ vọng rằng loại vũ khí này có thể giúp Kiev bù đắp phần nào vấn đề thiếu đạn dược.

Theo Kyiv Independent, bằng cách giải phóng ra một loạt bom nhỏ, đạn chùm có hiệu quả dọn dẹp chiến hào ngang với 8 quả đạn pháo thông thường.

Theo Business Insider
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine