Ukraine chật vật ứng phó Nga khi viện trợ phương Tây "như muối bỏ bể"
(Dân trí) - Phương Tây cam kết viện trợ nhiều vũ khí hạng nặng nhưng tốc độ chuyển giao chậm khiến Ukraine không có đủ khí tài để ứng phó với chiến sự khốc liệt đã kéo dài gần 4 tháng qua.
Tại một tiền đồn ở Đông Ukraine, hàng chục quả đạn cối được chất thành đống. Tuy nhiên, chỉ huy của phía Kiev Mykhailo Strebizh thừa nhận rằng, các binh sĩ dưới quyền anh này đang hứng chịu hỏa lực dữ dội từ Nga và lượng khí tài đơn vị này có chỉ đủ để đáp trả đối thủ trong 4 giờ đồng hồ.
Trong khi đó, chính quyền Ukraine nhiều lần thừa nhận, sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine là vẫn chưa đủ và chưa tới kịp lúc trong bối cảnh chiến sự Donbass đang "căng như dây đàn".
Kiev cho biết họ mất khoảng 200 quân nhân mỗi ngày tại khu vực miền Đông trong khi lực lượng Nga đã kiểm soát phần lớn Donbass.
Mỹ là bên hào phóng nhất khi cam kết sẽ viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine đối phó Nga trong những tháng qua, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc giao các vũ khí này chưa bắt kịp được nhu cầu của Ukraine trên chiến trường.
Nga áp đảo về vũ khí
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân sâu xa khiến Ukraine bị chậm chuyển vũ khí một phần nằm ở cơ chế hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây.
Ngành này không thể sản xuất vũ khí đủ nhanh để vừa cấp vũ khí cho Ukraine và vừa đảm bảo phương Tây có đủ khí tài để tự vệ trước đối thủ tiềm tàng.
"Chúng ta đang chuyển từ thời bình sang thời chiến. Thời bình tức là tốc độ sản xuất vũ khí thấp, muốn tăng tốc sản xuất thì phải xây dựng các cơ sở hạ tầng. Đây là thách thức về công nghiệp quốc phòng to lớn", chuyên gia Francois Heisbourg từ Tổ chức nghiên cứu chiến lược (Pháp) nhận định.
Ví dụ, trong những tháng qua, Mỹ đã gửi cho Ukraine lượng lớn tên lửa chống tăng Javelin và Stinger lớn đến mức Washington nói rằng nó tạo ra "lỗ hổng" trong kho vũ khí của Mỹ. Theo ước tính, Mỹ sẽ phải mất vài năm nữa mới lấp đầy được. Tương tự như với các nước khác khi họ cũng đang đối mặt với tình trạng hết vũ khí sau khi viện trợ cho Ukraine.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức tuần trước cho biết, Mỹ đã chuyển cho Ukraine một nửa số vũ khí mà họ cam kết, trong khi con số của Đức là 1/3. Ba Lan và Anh đều đã thực hiện được phần lớn những gì họ cam kết.
Nhiều quân nhân Ukraine cho biết, họ không có hỏa lực để đối phó với thế áp đảo của Nga.
Đầu tháng này, Đại sứ Ukraine tại Tây Ban Nha Serhii Phoreltsev đã cảm ơn Madrid - quốc gia đã gửi cho Kiev một gói viện trợ quân sự 200 tấn vào tháng 4. Tuy nhiên, Ukraine nói rằng số lượng đạn dược trong gói này chỉ đủ cho khoảng 2 giờ chiến đấu.
Quân nhân Volodymyr Demchenko đã gửi lời cảm ơn tới vũ khí Mỹ viện trợ: "Những khẩu súng đẹp và 120 viên đạn cho mỗi khẩu". Nhưng anh cho biết, nó chỉ đủ cho 15 phút chiến đấu.
Một phần của vấn đề nằm ở chính lực lượng Ukraine vì quốc gia này trước giờ sử dụng phần lớn khí tài từ thời Liên Xô và các binh sĩ cần phải được huấn luyện để sử dụng vũ khí chuẩn NATO trước khi được giao khí tài.
Vì vậy, trong 1 tỷ USD mà Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine gần đây, chỉ có khoảng 1/3 số vũ khí sẽ được chuyển giao nhanh chóng cho Ukraine và phần còn lại sẽ được chuyển dần trong dài hạn. Cam kết của Mỹ bao gồm 18 lựu pháo, 36.000 viên đạn pháo, đáp trả lời kêu gọi viện trợ vũ khí tầm xa của Ukraine.
Tuy nhiên, những con số trên "như muối bỏ bể" với những gì Ukraine nói rằng họ cần để có thể thay đổi cục diện trước Nga ở Donbass: 1.000 pháo 155 mm, 300 hệ thống rocket phóng loạt, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái.
Ngoài ra, một vấn đề nữa mà Ukraine phải đối mặt chính là Nga thường xuyên phóng hỏa lực vào các kho vũ khí phương Tây viện trợ cho Kiev bằng vũ khí chính xác cao. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến Ukraine bị thiếu vũ khí triển khai trên tiền tuyến.
Ukraine học cách thích nghi
Ben Barry, chuyên gia từ viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế cho biết : "Những gì Ukraine phải làm là thực hiện chiến dịch phản công để đáp trả hỏa lực của Nga. Để làm được điều này, Ukraine cần có vũ khí chính xác với tốc độ bắn cao và tầm bắn cho phép nó nằm ngoài tầm phản công lại của đối thủ. Người Ukraine đang nói rằng họ không có đủ tên lửa tầm xa để áp chế pháo binh Nga. Tôi nghĩ rằng họ nói đúng".
Giờ đây, để thích nghi với thực tế trước mắt, các quân nhân Ukraine phải sử dụng chiến thuật "bắn và rút", tức là khai hỏa xong thì phải di chuyển ngay lập tức trước khi Nga có thể phát hiện ra vị trí chính xác và phản công.
Ukraine vẫn đang cố gắng tận dụng tối đa vũ khí họ nhận được, đặc biệt là các khí tài hiện tại của NATO.
Một quân nhân Ukraine nói với AP rằng, hệ thống lựu pháo M777 của Mỹ cấp cho Kiev đang có hiệu quả chiến đấu khá tốt với sự chính xác cao, tốc độ hỏa lực nhanh, dễ sử dụng. Dù các hệ thống này vẫn còn ở số lượng hạn chế nhưng nó giúp nâng cao tinh thần của quân nhân Ukraine cũng như "làm đối thủ chùn bước vì họ thấy hiệu quả của vũ khí".
Denys Sharapov, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine phụ trách mua sắm vũ khí, thừa nhận rằng viện trợ thực tế mà Kiev nhận từ phương Tây hiện chỉ đáp ứng 10-15% nhu cầu của quốc này. Ông lưu ý về thách thức to lớn mà Ukraine phải đối mặt: Tiền tuyến dài 1.000km giữa 2 bên.
Ông Sharapov nói không có nhà cung cấp nào có thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine vào lúc này. "Thật không may, chúng tôi đã trở thành nước tiêu thụ vũ khí và đạn dược lớn nhất trên thế giới", ông cho biết.
Với những diễn biến giằng co như hiện tại, theo chuyên gia Heisbourg, kịch bản về một cuộc chiến tiêu hao kéo dài là hoàn toàn có thể xảy ra và thời gian có thể đang có lợi cho Nga.