1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phương Tây vô tình tạo lợi thế cho Nga trước Ukraine tại Donbass

Đức Hoàng

(Dân trí) - Việc các nước phương Tây chậm trễ giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine được xem là đang mang lại lợi thế cho Nga, khi chiến sự Moscow - Kiev ngày càng ác liệt.

Phương Tây vô tình tạo lợi thế cho Nga trước Ukraine tại Donbass - 1

Một hệ thống lựu pháo tự hành của Ukraine tại Kharkov (Ảnh minh họa: AFP).

Fox News đưa tin, trong thời gian qua, Mỹ và các đồng minh phương Tây liên tục cam kết sẽ chuyển vũ khí cho Ukraine để Kiev đối phó với chiến dịch quân sự đã kéo dài gần 4 tháng của Nga.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc nhiều nước chậm trễ trong việc chuyển giao khiến Ukraine gặp thế bất lợi trước Nga - bên đang duy trì thế áp đảo về hỏa lực trước đối thủ ở "chảo lửa" Donbass.

Chuyên gia Jack Keane, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ), nhấn mạnh rằng chiến sự Ukraine đang ở "giai đoạn bước ngoặt" và Kiev cần thêm vũ khí để đẩy lùi lực lượng Nga.

"Nga có lợi thế vì số lượng hỏa lực và tầm bắn của vũ khí. Phía Ukraine có kỹ năng, có ý chí, có nhân sự để chiến đấu. Điều họ cần là vũ khí để làm điều đó", ông Keane bình luận.

Sau khi khép lại giai đoạn 1 của chiến sự và chuyển hướng sang khu vực Donbass, Nga đã gia tăng năng lực chiến đấu với lợi thế về hậu cần và hệ thống vũ khí với tầm xa hơn nhằm vào các mục tiêu ở Ukraine. Một chuyên gia quân sự nói với Fox News rằng, diễn biến trong những tuần qua cho thấy "vũ khí đang đến tay Ukraine chưa đủ nhanh".

"Phương Tây viện trợ đúng (điều Ukraine muốn) nhưng khí tài lại đến tay Kiev không đúng lúc, và điều này đã biến thành lợi thế của Nga", chuyên gia này nhận định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng trước đã công bố các gói viện trợ vũ khí cho Ukraine gồm pháo, vũ khí phòng thủ bờ biển, đạn dược và các hệ thống tên lửa tiên tiến.

Phía Lầu Năm Góc nói rằng "có thể tốn vài tháng" để các vũ khí này tới được tay phía Ukraine. Ví dụ hệ thống tên lửa Harpoon sẽ cần nhiều tuần để vận chuyển và huấn luyện các quân nhân Ukraine học cách sử dụng.

Ukraine từng thừa nhận họ cần nhiều hơn vũ khí so với số lượng mà các đồng minh đang gửi cho họ. Mỹ đã cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác Ukraine để đảm bảo viện trợ tiếp tục đến được tiền tuyến, nhưng không thể bình luận về thời điểm cụ thể.

Ukraine cũng phải đối mặt với sự do dự của các nước châu Âu về việc cung cấp vũ khí sát thương. Một số nhà lãnh đạo châu Âu - ví dụ Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - đã kêu gọi Nga và Ukraine kết thúc chiến sự thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.

Đức ban đầu trì hoãn việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine cho đến 2 tháng sau chiến sự. Tuy nhiên, Đức được xem cũng chậm trễ đáng kể đáng kể so với các nước phương Tây về cả số lượng vũ khí cam kết viện trợ và lượng khí tài đã chuyển giao - vào khoảng 35% con số mà họ đã hứa hẹn.

Chuyên gia Keane cho rằng, có 2 xu hướng rõ rệt trong nội bộ phương Tây. Anh, Ba Lan, các nước Baltic ủng hộ việc cấp thêm vũ khí cho Ukraine để đẩy lùi lực lượng Nga.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, Pháp và Đức dường như đang hướng tới cách tiếp cận hòa bình khi kêu gọi Kiev và Moscow đàm phán càng nhanh càng tốt để kết thúc chiến sự, dù kết cục cuối cùng có thể có lợi cho Nga. Ông Keane cũng nhận định, Mỹ có thể cũng ủng hộ phương án 2 bên sẽ ngồi vào bàn thương lượng.

Theo các chuyên gia, sự do dự và chia rẽ trong mục tiêu và cam kết của phương Tây với Ukraine là điều mà Nga sẽ tìm cách khai thác khi họ tạo ra lợi thế của mình để giành quyền kiểm soát Donbass trong khi Ukraine chiến đấu với nguồn lực ngày càng cạn kiệt.

Chuyên gia Rebekah Koffler từ tổ chức Doctrine & Strategy Consulting cho rằng, "Nga nhận thức sâu sắc về sự thiếu gắn kết trong NATO và giữa các chính phủ châu Âu liên quan đến việc phương Tây nên hỗ trợ Ukraine bao lâu".

Theo Fox News
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm